Dù chỉ phát triển chưa đầy 6 năm nhưng số lượng căn hộ và biệt thự nghỉ dưỡng ở miền Trung đã lên 3.745 căn.

TIN BÀI KHÁC

Riêng tại Đà Nẵng, hiện có 42 dự án đầu tư loại hình này. Quảng Nam cũng đến 33 dự án đầu tư du lịch ven biển Điện Bàn - Hội An với diện tích trên 1.065 ha; 4 dự án du lịch ven biển ở Khu kinh tế mở Chu Lai và 7 dự án du lịch ven biển ở biển Cửa Đại... Đằng sau con số ấn tượng là những hậu quả đáng lo ngại.

Trong một nghiên cứu mới đây, tiến sĩ Trương Sỹ Quý, Trưởng bộ môn Du lịch (ĐH Kinh tế Đà Nẵng), quan ngại: “Hiện Đà Nẵng nói riêng, các tỉnh miền Trung nói chung đang “bội thực” các dự án du lịch biển và đáng lo hơn nữa là hầu hết các dự án này đều của các nhà đầu tư nước ngoài”.


Ven biển miền Trung, các dải phi lao đã bị thay bằng các resort tiện nghi.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, du lịch là ngành công nghiệp không khói có đóng góp đáng kể cho cả nền kinh tế, đặc biệt là với những địa phương nhiều có lợi thế để phát triển như miền Trung. Do đó, việc đầu tư về hạ tầng, dịch vụ, bao gồm cả bất động sản nghỉ dưỡng để thu hút khách là điều không thể thiếu. Tuy nhiên, vì cái lợi trước mắt, các địa phương đã cho đầu tư ồ ạt các dự án du lịch mà quên hậu quả. Các dự án du lịch ven biển cũng như những xóm dân ven biển đang bị biển lấn, bị sóng thần, bão cát... đe dọa từng ngày”, tiến sĩ Quý nhấn mạnh.

Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Đà Nẵng, dẫn chứng, 10 năm trước, ven biển từ Đà Nẵng đến Quảng Nam được phủ kín bởi rừng phi lao. Bây giờ thì chỉ trơ trọi những bãi cát hay những khu du lịch, resort với bê tông . Tôi đã nhiều lần có ý kiến  lùi các dự án vào trong, giữ lại rừng để phòng chống bão, cũng như chống xâm thực của biển. Thế nhưng, các khu du lịch, resort vẫn được cấp phép xây dựng sát mép biển. Hậu quả là mỗi khi có bão đổ bộ vào, nhiều gia đình ở Đà Nẵng, Quảng Nam bị gió thổi bay nhà cửa. Các trục đường ven biển từ Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) kéo dài đến khu vực Xuân Thiều (Đà Nẵng) bị sóng biển đánh nát, sụp đổ nhiều đoạn”.

Ông Thắng cho biết, dần theo thời gian, sóng biển tiếp tục xâm thực mạnh, nhiều nơi sóng biển “ăn” sâu vào cả chục mét, như tuyến đường Sơn Trà – Điện Ngọc (Quảng Nam), đường ven biển Nguyễn Tất Thành (Đà Nẵng). Và hiểm họa này sẽ tiếp tục đeo đuổi người dân miền Trung nặng nề hơn thời gian tới.

(Theo Đất Việt)