- Khu 4 cũ những năm chiến tranh phá hoại trở thành ‘túi bom’ của kẻ thù. Con đường huyết mạch bị bom đạn rải thảm. Nhưng giữa bao mồ hôi, nước mắt, máu xương và vô vàn sự hi sinh, mạch máu vận chuyển Bắc Nam vẫn không ngừng lại. Chuyện người dân tháo dỡ nhà, thậm chí dùng quan tài lát đường cho xe qua, mãi ăn sâu vào tâm khảm...

Trong căn nhà nhỏ rợp bóng tre làng ở Tiến Lộc, Can Lộc (Hà Tĩnh), một cụ già râu tóc bạc phơ vẫn say sưa kể về chiến tích những năm tháng gian khổ chống Mỹ. Ngày ngày cụ làm thơ, hát vè, trở thành pho sử sống cho cả làng.

‘Vác gỗ, vác xà – làm đường xe qua’

Ở tuổi 85, ít ai nghĩ cụ Phan Tiến Lự vẫn còn minh mẫn và nhớ đến từng chi tiết của những ngày gian khổ chống giặc tròn nửa thế kỷ trước.

Vợ tạ thế, con cái lập gia đình, cụ sống một mình trong căn nhà nhỏ dưới bóng tre làng, ngày ngày làm thơ hát vè về làng Hạ Lội (xã Tiến Lộc) những năm kiên cường chống Mỹ.

Với cụ Lự, những ngày bom Mỹ rải thảm phá hoại cầu Ngựa, cầu Già dường như chỉ mới hôm qua. Ánh mắt cụ long lanh khi kể về thời khắc đội bom, bám cầu bám đường cho từng đoàn xe vượt qua làng ra tiền tuyến.

{keywords}
 
Nhân dân khu 4 dỡ nhà cửa lót đường cho xe ra mặt trận. (Ảnh: Tư liệu Bảo tàng QK4).

‘Mới đó mà 50 năm rồi chú. Thời đó tui làm Phó chủ nhiệm HTX Trường Giang” – cụ Lự nhấp bát chè xanh lục lại quá khứ - “Làng Hạ Lội tui sát bên sông Già, nhiều đầm lầy. Từ những năm 1965, bom Mỹ trút xuống đây như mưa. Chúng muốn phá nát cầu Già, cầu Ngựa và cầu Thượng Gia để cắt đứt giao thông”.

Cụ là một trong số ít các nhân chứng còn lại đủ minh mẫn để kể cho con cháu nghe, để biết dân làng Hạ Lội đã anh hùng như thế nào trong những ngày mùa thu năm 1968.

Trong phong trào bảo vệ cầu, đường cho xe qua đang dấy lên ở khu 4 khói lửa, Hạ Lội là điển hình cho khẩu hiệu đã đi vào lịch sử ‘Xe chưa qua, nhà không tiếc!”.

{keywords}
 
Đuôi xà nhà của người dân làng K130 bốc dỡ ngày 13/8/1968 làm đường cho xe ra mặt trận. Hiện vật đang được lưu giữ tải Bảo tàng Quân khu 4.

Nhắc đến ngày 13/8/1968, cụ Lự mân mê bát chè xanh, mắt sáng hẳn lên. Cụ đọc một mạch bài thơ ‘Làng K130’ do chính mình sáng tác, bằng ngôn từ và điệu vè địa phương dí dỏm nhưng chân chất cả những hào khí, với những đoạn:

“Ngày mười ba, sáu tám (1968 – PV),

Mỹ hoảng hốt điên cuồng

Thua xiểng liểng miền Nam

Ra miền Bắc bắn phá

Ra miền ngoài bắn phá.

...

Toàn dân đều tất cả,

Vác gộ (gỗ - PV) lại vác xà

Bắc ngang lại xe qua

Xe chạy suốt làng ta...”

Chính trong ngày này, dân làng Hạ Lội đã tự nguyện di tản, phá bỏ nhà cửa để làm một con đường chạy qua làng chia lửa cho đoạn QL1A bị bom Mỹ cày nát. Ngày này đã mãi mãi đi vào lịch sử với chứng tích huyền thoại làng K130, niềm tự hào của người dân Tiến Lộc hôm nay.

Chiến tích K130 và lời thề người Hạ Lội

Tháng 8/1964 sau ‘sự kiện vịnh Bắc Bộ’, không quân Mỹ đã đem bom rải thảm miền Bắc Việt Nam hòng cày nát hậu phương, cắt đứt tuyến chi viện cho miền Nam. Nhưng từng đoàn xe quân ta vẫn thần tốc ra tiền tuyến.

{keywords}
Cụ Phan Tiến Lự, nhân chứng sống của chiến tích làng K130.

Trên con đường huyết mạch nối hậu phương với mặt trận, biết bao máu xương đã đổ, những tấm gương bất khuất, những ngôi làng sẵn sàng hi sinh tất cả cho tiền tuyến lớn. Với người Hạ Lội, đó còn là lời thề thiêng liêng!

Trong những ngày sắp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, ông Nguyễn Hồng Hạnh, bí thư xã Tiến Lộc rưng rưng xen lẫn tự hào khi nhắc lại những năm chống chiến tranh phá hoại.

Ông Hạnh chính là người sinh ra lớn lên ở Hạ Lội, bên sông Già. Đêm 13/8/1968, cậu bé Hạnh vừa 11 tuổi đã theo cha lúc ấy là Chủ nhiệm HTX Trường Giang cùng dân phá nhà, dời làng làm đường.

“Con đường chạy thẳng qua tim làng, từ bến phà Già qua Thạch Liên, Thạch Hà để chia lửa cho tuyến đường huyết mạch. Hồi đó cầu Ngựa, cầu Già và Thượng Gia là ba điểm bị bắn phá ác liệt nhất.

Đêm 13/8 sau khi phổ biến qua chủ trương, tất cả dân làng đều đồng thanh hưởng ứng, tự dỡ nhà để làm đường. Trong một đêm, dân làng dỡ bỏ 130 căn nhà, con đường tránh được làm thần tốc”, bí thư Hạnh nhớ lại.

Ông vẫn chưa quên hào khí của những người dân thời điểm ấy dưới cảnh mưa bom bão đạn, chưa quên những cố Kiều, cố Canh tự tay dỡ nhà làm đường, lúc làng dời đi còn bám lại phà Già để đảm bảo thông tuyến; không quên cố Trí cao niên, sống đơn thân nhưng xung phong hiến cả... quan tài để làm đường vượt hố bom...

“Thời đó chúng tui nghe, biết những gian khổ trong chiến trường miền Nam. Mỗi đoàn xe qua đều mang hi vọng, quân trang, quân dụng thiết yếu cho tiền tuyến.

Khẩu hiệu ‘Xe chưa qua, nhà không tiếc’ chính là lời thề của làng Hạ Lội, thúc giục nhân dân bám cầu, bám đường”, cụ Phan Tiến Lự tự hào nhớ lại.

Cũng từ những ngày tháng gian khổ mà sôi nổi, anh dũng đó để về sau, làng Hạ Lội được biết đến với cái tên ‘Làng K130’ anh hùng, trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia, một pho sử trong giai đoạn chống chiến tranh phá hoại.

“Chúng tôi đang có kế hoạch làm đài chiến tích, nhà truyền thống kinh phí chừng 300 triệu. Người dân xung phong đóng 200 triệu, hiện xã đã trình cấp tỉnh để nhờ hỗ trợ.

Mai đây khi các nhân chứng sống đã tạ thế, các lớp trẻ của làng vẫn còn có nơi để tìm hiểu, biết đến truyền thống anh hùng của cha anh”, ông Nguyễn Hồng Hạnh trăn trở.

Cao Thái – Duy Tuấn (còn nữa)