Với vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi việc đảm bảo tốt hơn quyền con người là mục tiêu hướng tới của mình.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, kỷ nguyên thịnh vượng dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, cho hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu. Con người và quyền con người tiếp tục đóng vai trò tiên quyết để Việt Nam kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại tạo sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh việc chuyển hóa nội dung của các điều ước quốc tế thành các văn bản quy phạm pháp luật trong nước, thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách có liên quan đến bảo đảm quyền con người như ban hành các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; chính sách phát triển bền vững; an ninh lương thực, phát triển nông thôn và nông nghiệp bền vững; tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu; Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân...
Để quyền con người được hiện thực hóa trong thực tiễn cuộc sống, Việt Nam đã rất chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về quyền con người cho các cá nhân, tổ chức trong xã hội hiểu được những nội dung cơ bản về quyền con người và các quy định của pháp luật có liên quan đến vấn đề này. Từ năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1079/QĐ-TTg về triển khai Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam, thúc đẩy trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin từ các cơ quan nhà nước đáp ứng quyền tiếp cận thông tin của người dân; tổ chức các hội nghị thường kỳ cung cấp thông tin cho báo chí về công tác bảo vệ, thúc đẩy quyền con người...
Hoạt động này không chỉ diễn ra ở trung ương mà chính quyền địa phương các cấp cũng tích cực, chủ động tuyên truyền, phổ biến nội dung các công ước quốc tế về quyền con người như Công ước ICCPR, Công ước ICESCR, Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Công ước chống tra tấn, Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Hoạt động giáo dục pháp luật về quyền con người cũng được triển khai trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Trước đó, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân”, trong đó, xác định mục tiêu đến năm 2025, 100% cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức giáo dục về quyền con người.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng quan tâm đến giáo dục quyền con người cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm tăng cường nhận thức, năng lực của đội ngũ này trong thực hiện nhiệm vụ liên quan đến quyền con người. Chương trình bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau như tập huấn ngắn hạn, khóa bồi dưỡng, đại học, sau đại học... với hệ thống giáo trình tài liệu khoa học, phong phú.
Việt Nam cũng đầu tư nguồn lực vật chất, cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động bảo đảm quyền con người. Tổng vốn huy động nguồn lực thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến khoảng 2.455.212 tỷ đồng, với cơ cấu cụ thể như sau: (1) Vốn ngân sách trung ương bố trí trực tiếp để thực hiện Chương trình: 39.632 tỷ đồng (chiếm 1,6%); (2) Vốn ngân sách địa phương: dự kiến khoảng 156.700 tỷ đồng (chiếm 6,4%); (3) Vốn lồng ghép từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, các Chương trình, dự án khác thực hiện trên địa bàn nông thôn để hỗ trợ hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.
Tất cả các chính sách trên đều nhằm mục tiêu bảo đảm quyền con người một cách thực chất nhất ở Việt Nam đó là xóa đói, giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội, nâng cao sức khỏe cho người dân, cũng là một định hướng xã hội chủ nghĩa quan trọng của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.