Đồng chí Trần Tuấn Anh Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời phỏng vấn báo chí. (Nguồn ảnh: congthuong.vn). |
Ngày 12/2, Nghị viện châu Âu đã chính thức thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Nhân sự kiện này, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời phỏng vấn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về EVFTA.
Xin Bộ trưởng cho biết sự kiện Nghị viện châu Âu phê chuẩn Hiệp định EVFTA có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh thương mại quốc tế đang có nhiều căng thẳng?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:
Hiện nay, trong bối cảnh căng thẳng thương mại quốc tế có chiều hướng gia tăng, cộng hưởng với sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ, đe dọa sự phát triển ổn định của kinh tế thế giới và các khu vực, việc Nghị viện châu Âu thông qua Hiệp định EVFTA đã mang lại nhiều ý nghĩa trên nhiều phương diện, đặc biệt là ở hai phương diện chính yếu như sau:
Thứ nhất, trên phương diện chính trị, an ninh quốc gia và chiến lược đối ngoại, trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp và bản thân nội bộEU gặp nhiều khó khăn như sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy và bảo hộ mậu dịch, Hiệp định EVFTA thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của cả hai bên trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam và EU phát triển sâu rộng và thực chất hơn. Việc ký kết và phê chuẩn EVFTA là phù hợp với chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa và chủ trương của ta trong việc đưa quan hệ với các đối tác lớn, trong đó có EU, đi vào chiều sâu, tăng cường đan xen lợi ích chiến lược, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ của EU cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, chính trị, đối ngoại nhiều mặt của Việt Nam hiện nay.
Ở góc độ đa phương, với việc Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Hiệp định EVFTA sẽ làm gia tăng vai trò, vị thế của Việt Nam trong quan hệ EU – ASEAN cũng như tạo hình mẫu cho một Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN với EU trong tương lai.
Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có FTA với EU. Điều này khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực, thực sự nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, Hiệp định EVFTA vừa giúp ta có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.
Thứ hai, trên phương diện phát triển kinh tế, Hiệp định EVFTA được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng. Khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết công việc làm cho người lao động. Hệêp định thương mại tự do với EU giúp chúng ta có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó tốt hơn với các diễn biến bất lợi trong khu vực và trên trường quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đang xuất khẩu mỗi năm sang EU trên 40 tỉ USD, trong đó xuất siêu gần 30 tỉ USD. Do vậy, Hiệp định này sẽ giúp chúng ta có điều kiện để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và thu được giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới.
Xin Bộ trưởng cho biết cơ hội và thách thức của Hiệp định EVFTA đối với Việt Nam khi Hiệp định này được đưa vào thực thi!
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:
Đi kèm với cơ hội thì việc thực thi Hiệp định EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức. Chúng ta vẫn là nước đang phát triển ở trình độchưa cao, với mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.800 USD và còn khoảng cách so với các nước ASEAN đi trước.
Thứ nhất, sức ép cạnh tranh là thách thức đầu tiên chúng ta cần vượt qua. Tuy nhiên, cạnh tranh cũng được coi là động lực cho các doanh nghiệp liên tục đổi mới và sáng tạo, đồng thời tạo ra thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Cùng với giai đoạn đầu của tiến trình hội nhập, các doanh nghiệp của chúng ta cũng đã có các bước phát triển mạnh mẽ. Đơn cử như giai đoạn đầu chúng ta thực hiện các hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản hay Ấn Độ thì cũng có tình trạng nhập siêu nhưng nay đã chuyển sang thương mại mang tính cân bằng, thậm chí là xuất siêu. Trong khi đó EU lại là nền kinh tế mang tính bổ sung cao với Việt Nam nên tiềm năng khai thác là lớn trong khi ngành hàng cạnh tranh hay đối đầu trực tiếp rất ít. Thậm chí, do là nơi có tiềm lực công nghệ và hàng hóa có chất lượng cao nên việc tăng nhập khẩu công nghệnguồn và nhiều mặt hàng từ EU cũng có lợi cho hiệu quả chung của nền kinh tế.
Thứ hai, các hiệp định thương mại tự do thế hệmới như Hiệp định EVFTA cũng đặt ra yêu cầu điều chỉnh, sửa đổi các quy định pháp luật. Tuy nhiên, nhu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng được coi là xuất phát từ đòi hỏi phát triển của bản thân nội tại nền kinh tế. Trong thời gian qua, chúng ta đã chủ động sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Bộluật Lao động, Luật Sở hữu trí tuệ... Các hiệp định thương mại tự do thế hệmới sẽ thúc đẩy chúng ta làm mới mình, phù hợp với các xu thế phát triển mới trên thế giới.
Cuối cùng, thị trường EU là một trong những thị trường khó tính, có đòi hỏi cao nhất trên thế giới. Đơn cử như các yêu cầu về lao động, môi trường của EU buộc các doanh nghiệp phải có những tuân thủ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, việc thực hiện Hiệp định cũng có cái lợi là thay vì từng doanh nghiệp phải xử lý và vượt qua các rào cản này thì Hiệp định EVFTA cũng tạo ra các khuôn khổ hợp tác để doanh nghiệp hai bên có thể cùng học hỏi và vượt qua các rào cản trong quá trình thực hiện Hiệp định.
Chủ trương của chúng ta với các hiệp định thương mại tự do thế hệmới là gì và đã có bước chuẩn bị như thế nào để có thể tận dụng tối đa ưu thế khi EVFTA chính thức được thông qua?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:
Để chuẩn bị cho một giai đoạn mới trong tiến trình hội nhập, ngày 5 tháng 11 năm 2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Nghị quyết đã được triển khai toàn diện nhằm có thể đón đầu các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Để chuẩn bị cho quá trình thực thi Hiệp định EVFTA, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi và sẽ đưa vào thực thi kể từ đầu năm 2021. Các nội dung quan trọng nhất của cả 8 Công ước cơ bản ILO đều đã được phản ánh trong các quy định của Bộ luật này. Trên cơ sở đó, ngoài việc tạo ra các lợi ích kinh tế, chúng ta cũng xây dựng các thiết chế để sao cho lợi ích sẽ được chia sẻ một cách công bằng nhất cho người lao động.
Chúng ta cũng đã sửa đổi nhiều quy định pháp luật và xây dựng các chương trình hành động của Bô, ngành và địa phương khi tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là cơ sở rất tốt để tiếp tục rút kinh nghiệm và tăng cường hơn nữa hiệu quả khi thực thi Hiệp định EVFTA.
Dưới góc độcủa Bộ Công Thương, chúng tôi cũng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành xây dựng các cơ chế thực thi mới phù hợp với Hiệp định EVFTA, có thể triển khai ngay khi Hiệp định được Quốc hội phê chuẩn. Đơn cử như cơ chế về nhóm tư vấn trong nước về phát triển bền vững nhằm huy động sự tham gia rộng rãi của người dân, đoàn thể, các tổ chức đại diện cho tiếng nói của các tầng lớp xã hội cũng như truyền thông vào quá trình hoạch định chính sách. Đây là cơ chế hoàn toàn mới, được xây dựng dựa trên các nền tảng hoạt động của một nhà nước kiến tạo, đề cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước với người dân, các tổ chức đại diện và cộng đồng doanh nghiệp. Nếu thực hiện được như vậy, Hiệp định EVFTA sẽ không chỉ đem lại lợi ích cho nền kinh tế và doanh nghiệp mà còn góp phần cho việc nâng cao thu nhập của người lao động, góp phần phát triển kinh tế mang tính bền vững hơn.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Theo dangcongsan.vn