Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Hiệp Đức (Quảng Nam), đây là địa phương có tổng đàn bò và tỷ lệ bò lai lớn, chiếm 80,05%. Cuối năm 2020, huyện từng xuất hiện ổ dịch lở mồm long móng và một số dịch bệnh động vật khác.

Bước sang năm 2021, tình hình dịch bệnh trên cả nước có chiều hướng gia tăng. Bởi vậy, Phòng NN&PTNT huyện đã triển khai nhiều giải pháp phòng dịch. Đặc biệt là khuyến khích, tuyên truyền người dân thực hiện chăn nuôi an toàn, chăn nuôi sinh học và áp dụng các biện pháp khoa học để ngăn chặn dịch bệnh.

{keywords}
Ứng dụng khoa học công nghệ giúp người chăn nuôi giảm rủi ro dịch bệnh, mang lại năng suất cao. 

Đến nay, người dân đã biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào chăn nuôi như thực hiện phối tinh nhân tạo, trồng cỏ và sử dụng thêm thức ăn tinh cho bò, bố trí và xây dựng chuồng trại tiêu chuẩn, chủ động vệ sinh chuồng trại, tiêm vắc xin đúng và đủ cho vật nuôi.

Giai đoạn 2016 - 2020, toàn huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) cũng triển khai 10 đề tài khoa học công nghệ cấp huyện, 2 đề tài cấp tỉnh. Trong đó, có đề tài về lĩnh vực chăn nuôi như: “Ứng dụng công thức lai giống giữa bò đực BBB và bò cái lai Zêbu tạo con lai F2 nuôi thịt”; “Chăn nuôi lợn nái nạc trên nền đệm lót sinh thái”…

Những đề tài này bước đầu mang lại hiệu quả cao, giúp người chăn nuôi giảm thiểu được rủi ro từ dịch bệnh, mang lại năng suất cao. Điển hình là Đề tài “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn nái nạc trên đệm lót sinh thái tại một số xã nông thôn mới huyện Hiệp Đức” do Trung tâm Khuyến nông - khuyến lâm nay là Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Hiệp Đức triển khai. 

Đề tài đã lựa chọn 3 hộ dân tại 3 xã Bình Lâm, Quế Thọ, Quế Bình triển khai nuôi heo nái hậu bị Yorshire (30kg/con) trên nền xi măng, có triển khai mô hình đệm lót sinh thái, hướng an toàn sinh học. Nhiều hộ dân được tập huấn kỹ thuật, kinh nghiệm làm đệm lót sinh thái phục vụ chăn nuôi an toàn, không gây mùi hôi, ô nhiễm môi trường.

Sau thành công của mô hình năm 2015, nhiều hộ dân tự nhân rộng khi thấy hiệu quả. Năm 2021, Trung tâm tiếp tục nhân rộng mô hình tại một số hộ tại xã Bình Lâm; mỗi hộ triển khai mô hình được hỗ trợ chi phí, tập huấn kỹ thuật làm đệm lót.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, người dân ít có xu hướng tái đàn và nhân đàn nhưng riêng xã Bình Lâm còn 7 hộ duy trì mô hình đệm lót sinh thái trong chăn nuôi. Tại các mô hình triển khai đệm lót, đàn heo phát triển tốt hơn, vật nuôi ít bị dịch bệnh, người chăn nuôi giảm được khoảng 60% công lao động, không phải dọn vệ sinh thường xuyên như trước, các nguy cơ xâm nhiễm bệnh giảim thiểu rõ rệt.

Thu Hằng