Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VISTA) đề nghị Nhà nước bỏ quy định nộp thuế VAT đối với doanh nghiệp sử dụng vải trong nước để sản xuất, xuất khẩu thay vì phải nộp thuế trước rồi hoàn sau như hiện nay.
 
VISTA phân tích, quy định này không tạo thuận lợi hình thành các chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp dệt may trong nước nhằm tăng tỷ lệ nội địa hó và đáp ứng yêu cầu xuất xứ của sản phẩm may mặc xuất khẩu.
 
Quy định này cũng không khuyến khích sử dụng vải sản xuất trong nước và không bình đẳng với vải nhập khẩu để gia công xuất khẩu.

{keywords}
Sản xuất tại Công ty CP Đầu tư thương mại TNG tại Thái Nguyên (ảnh: Hoàng Hiệp)

Theo quy định hiện hành, thuế suất thuế VAT đối với mặt hàng vải là 10%. Doanh nghiệp trả thuế VAT 10% khi mua vải trong nước, khi xuất khẩu được áp dụng thuế suất VAT 0% và được khấu trừ hoàn toàn thuế VAT đầu ra.

Trong khi đó, quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có hiệu lực từ 1/9/2016 thì nguyên phụ liệu nhập khẩu để gia công xuất khẩu sẽ được miễn thuế thay vì nộp và hoàn thuế như trước đó.

Với các quy định này, vô hình chung chính sách đang khuyến khích doanh nghiệp nhập vải gia công xuất khẩu thay vì mua vải trong nước để sản xuất xuất khẩu với giá trị gia tăng cao hơn. Điều này đi ngược lại với mục tiêu tăng nội địa hoá của chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam.
 
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2021, ngành dệt may đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước nhờ chuỗi sản xuất phục hồi với đơn hàng truyền thống tăng trở lại.
 
Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành dệt tháng 6 tăng 3,8% so với tháng trước và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2020; ngành sản xuất trang phục lần lượt tăng 3,4% và 7,9%. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước; ngành sản xuất trang phục tăng 8,9%.
 
Một số sản phẩm trong ngành 6 tháng đầu năm nay đạt mức tăng trưởng khá như vải dệt từ sợi tự nhiên ước tính đạt 331,2 triệu m2, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo đạt 603,3 triệu m2, tăng 11,7%; quần áo mặc thường đạt 2.294,4 triệu cái, tăng 10,1%.
 
Thu Ngân

Dệt may Việt Nam thiếu lao động

Dệt may Việt Nam thiếu lao động

Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến hết quý III năm nay. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này lại đối mặt với nỗi lo mới, đó là thiếu lao động.