Đó là một trong hàng loạt kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây. 

Theo Hiệp hội HASINBA, thực trạng ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống chưa thu hút được nguồn lực và đầu tư tương xứng. Sự thiếu hụt của các ngành công nghiệp hỗ trợ đà một thị phần bỏ ngỏ đầy tiềm năng tại thị trường Việt Nam. 

Điểm danh 6 nhóm ngành thì tỷ lệ nội địa hoá- tức phần tham gia của các doanh nghiệp Việt vẫn còn khiêm tốn. Trong đó, ngành chế tạo ô tô mới đạt tỷ lệ nội địa hoá trung bình khoảng 5-20%, ngành điện tử có tỷ lệ nội địa hoá khoảng 5-10%, ngành dệt may và ngành da giày đạt tỷ lệ nội địa hoá cao hơn là 30%, ngành công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao đạt khoảng 1-2% và ngành cơ khí chế tạo khác đạt khoảng 15-20%. 

Tổng số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là thành viên của Hiệp hội HANSIBA và Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) mới là 500 đơn vị. Trong tổng số gần 1 triệu doanh nghiệp Việt Nam, số các doanh nghiệp tham gia sản xuất chế tạo trong ngành công nghiệp hỗ trợ mới chỉ chiếm 0,2%. Mục tiêu năm 2025 và tầm nhìn năm 2030 cần đạt 3000-5000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hội viên là rất lớn. Với con số này, các doanh nghiệp Việt mới có thể chiếm lĩnh được thị phần tiềm năng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, vốn mỗi năm mất hàng chục tỷ USD để nhập khẩu linh phụ kiện. 

Ước tính hiện nay, riêng sản phẩm linh kiện nhập khẩu thuộc ngành điện tử và ô tô tại Việt Nam đã là 35-40 tỷ USD.

Hiệp hội HANSIBA bày tỏ, Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản quan trọng để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển như Nghị định 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 về phát triển ngành CNHT, Quyết định 68/QĐ-TTg  ngàh 18/1/2017 về phê duyệt chương trình phát triển CNHT từ năm 2016-2025, Nghị quyết 115/NĐ-CP ngày 6/8/2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành CNHT... Đó là nguồn động viên to lớn cho các doanh nghiệp trong ngành.

Khu, cụm công nghiệp chuyên ngành CNHT được khuyến khích phát triển (ảnh: Trần Chung)

Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách lớn giữa chính sách và thực tiễn đời sống doanh nghiệp. Trong khi đó, cơ hội để phát triển CNHT ở Việt Nam đã bị trôi qua lần thứ nhất, khi Việt Nam có chính sách mở cửa thu hút các doanh nghiệp FDI vào. Tại thời điểm nay, các loạt Tập đoàn FDI lớn vào Việt Nam như Toyota, Honda, Ford, Intel, Panasonic vào Việt Nam nhưng chúng ta vẫn chưa hoàn thiện chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi sản xuất các linh kiện phụ trợ. Thậm chí, chưa có cơ chế chính sách ràng buộc các Tập đoàn FDI phải nội địa hoá các sản phẩm làm tại Việt Nam.

Do đó, ở giai đoạn này, cần có các bước đi đột phá hơn để thúc đẩy mạnh mẽ ngành CNHT phát triển. 

HANSIBA đưa ra hệ thống 8 giải pháp, cụ thể bao gồm: Thứ nhất, Chính phủ cần sớm xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ và trình Quốc hội sớm ban hành trong thời gian nhanh nhất nhiệm kỳ này.

Thứ hai, cần thành lập Ban chỉ đạo cấp Nhà nước do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban với sự tham gia của một số Bộ, ban ngành, một số tỉnh thành, đại diện doanh nghiệp lớn trong ngành CNHT để thống nhất chỉ đạo thúc đẩy giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp CNHT. 

Sản xuất công nghiệp hỗ trợ tại Hải Dương

Thứ ba là Chính phủ cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, quyết tâm đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 đạt tỷ trọng 5-10% trên tổng số doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ tư là cần quy hoạch cụ thể từng vùng kinh tế Bắc- Trung- Nam để phát triển ngành CNHT, tránh tình trạng nhà nhà cùng phát triển, trùng chéo nhau.

Thứ năm là cần có gói giải pháp cấp thiết, đặc thù về vốn như lãi suất cho vay, thời gian vay, hạ mức vay, tài sản thế chất theo hướng ưu đãi cho doanh nghiệp. Hiệp hội đề nghị Chính phủ giao nhiệm vụ này cho Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) là đơn vị đầu mối chủ đạo để tài trợ vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp CNHT Việt Nam.

Thứ sáu là cho phép doanh nghiệp CNHT tiếp cận vốn vay ODA để đầu tư mua thiết bị, máy móc, công nghệ của nước ngoài, từ đó nâng cao khả năng tham gia chuỗi sản xuất cung ứng của các Tập đoàn nước ngoài như Nhật Bản.

Thứ bảy là kết nối với các doanh nghiệp FDI có mặt tại Việt Nam để có sự hỗ trợ và đặt hàng từ bên mua là FDI.

Thứ tám là cần khuyến khích DN khởi nghiệp lĩnh vực CNHT 100% tại Việt Nam.

Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng quan tâm, chỉ đạo để cộng đồng doanh nghiệp CNHT Việt Nam có thể hoàn thành được nhiệm vụ, góp phần vào mục tiêu chung công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Văn Quý (ghi)