- PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, hầu hết người dân vẫn nhầm lần tất cả vắc xin dịch vụ đều là vắc xin nhập ngoại còn vắc xin tiêm miễn phí là vắc xin nội. Đây là hiểu nhầm hết sức tai hại.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Trần Đắc Phu khẳng định, tất cả 10 loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam hiện nay đều đảm bảo về chất lượng, được thử nghiệm lâm sàng, đạt an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên thực tế, hầu hết người dân vẫn cho rằng vắc xin tiêm chủng mở rộng là vắc xin nội, không đảm bảo chất lượng. Chính tâm lý này khiến nhiều bậc phụ huynh e dè không dám cho con đi tiêm chủng miễn phí, lo bị phản ứng sau tiêm.
Cảnh phụ huynh chen lấn xếp hàng để đăng ký tiêm dịch vụ tại Hà Nội - Ảnh: C.Quyên |
"Đây là nhầm lẫn hết sức tai hại. Thực tế vắc xin dịch vụ vẫn có vắc xin nội và ngược lại nhiều vắc xin tiêm chủng mở rộng được nhập khẩu từ ngước ngoài", ông Phu thông tin.
Ông Phu dẫn chứng, trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem do Hàn Quốc sản xuất, vắc xin Sởi - Rubella do Ấn Độ sản xuất, nhiều đợt có thêm vắc xin ngừa bại liệt OPV được nhập từ nước ngoài.
Với vắc xin dịch vụ, trước đây có vắc xin dại, hiện tại có vắc xin ngừa viêm não do Việt Nam sản xuất.
"Vắc xin nội hay ngoại cũng đều qua kiểm định hết sức nghiêm ngặt nên không có chuyện vắc xin nhập tốt hơn vắc xin sản xuất trong nước", ông Phu nhấn mạnh.
2016 vắc xin "6 trong 1" vẫn khan hiếm
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, trong năm 2016 tình hình khan hiếm vắc xin "6 trong 1" và "5 trong 1" sẽ tiếp tục diễn ra.
Ông Phu giải thích, nguyên nhân do các đơn vị sản xuất 2 loại vắc xin này đang thay đổi dây chuyền sản xuất cũng như thay đổi địa điểm sản xuất nên sản lượng vắc xin bị ảnh hưởng, dẫn đến khan hiếm vắc xin tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Nói rõ thêm về nguyên do thiếu vắc xin "6 trong 1", Cục trưởng Cục Quản lý Dược Trương Quốc Cường cho hay, năng lực sản xuất vắc xin của thế giới cũng có hạn, họ sẽ ưu tiên cho các đơn hàng đặt sớm.
Do đó các đơn vị y tế dự phòng muốn có vắc xin sẽ phải đặt hàng trước cả năm, 6 tháng cũng không kịp.
Tại Việt Nam, để có vắc xin dịch vụ cho 2016, kế hoạch đặt hàng cũng đã được chốt với số lượng khoảng 200.000 liều vắc xin "6 trong 1" và trên 100.000 liều vắc xin "5 trong 1".
"Vắc xin dịch vụ cũng có cái khó, công tác lên kế hoạch, đặt hàng cực kỳ quan trọng. Nhập về mà không bán được thì nguy nên họ phải hết sức cân nhắc", ông Cường nói.
Trước tình hình khan hiếm vắc xin dịch vụ, Cục Quản lý Dược cho biết, từ nay tới cuối năm sẽ có thêm khoảng 200.000 liều vắc xin "5 trong 1" Pentaxim về Việt Nam.
Với vắc xin "6 trong 1", dự kiến phải tới 2017 tình hình mới khả quan hơn.
Lo ngại tâm lý chờ đợi vắc xin dịch vụ sẽ làm lỡ cơ hội của trẻ, làm tăng nguy cơ mắc bệnh và lây nhiễm trong cộng đồng, Bộ Y tế đã vận động người dân đưa con em đi tiêm chủng mở rộng đúng lịch ở xã, phường và yêu cầu các cơ sở tiêm dịch vụ phải tổ chức tiêm các vắc xin thuộc chương trình mở rộng tương ứng.
Từ tháng 3 đến nay, chỉ tính riêng tại Hà Nội đã có trên 30.000 trẻ được tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem thay thế vắc xin dịch vụ Pentaxim.
Thúy Hạnh