Hai ngày sau cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường với 30% cổ đông của ĐH Hoa Sen tổ chức - ngày 4/8, bà Bùi Trân Phượng (hiệu trưởng nhà trường) và ông Trần Văn Tạo (Chủ tịch Hội đồng quản trị), đã họp và đưa ra những lập luận để bác nội dung cuộc họp bất thường trước đó.

Buổi gặp gỡ báo chí, ngoài ông Trần Văn Tạo, bà Bùi Trân Phượng còn có ông Đỗ Sỹ Cường, phó hiệu trưởng nhà trường, thành viên hội đồng quản trị Trường ĐH Hoa Sen.

Hiệu trưởng nhà trường nói gì?

Giải thích về việc thành lập công ty Vĩnh An và thực hiện dự án Vatel, thu học phí vượt mức so với quy định, bà Bùi Trân Phượng lý giải: “Điều lệ trường ĐH” số 58/2010/QĐ-TTg quy định trường ĐH không được mở nhà hàng, tuy nhiên cho phép liên hết với các tổ chức kinh tế nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Đây là lý do Trường ĐH Hoa Sen thành lập công ty  Vĩnh An để triển khai chương trình đào tạo về Quản lý khách sạn - nhà hàng hàng đầu của Pháp (chương trình Vatel).

{keywords}
Bà Bùi Trân Phượng và ông Trần Văn Tạo

Về việc thu học phí - theo Điều 2, khoản 8 quyết định số 2239 ngày 15/6/2012 của Bộ GD-ĐT cho phép chương trình Vatel thu học phí mức 65 triệu đồng/học sinh/năm. Cuối năm 2013, Trường ĐH Hoa Sen có quyết định 15353 xác định mức thu học phí dành cho sinh viên nhập học từ 2013 là 78 triệu/học sinh/năm.

Bà Phượng giải thích việc này là điều chỉnh theo tỷ lệ trượt giá nhà nước cho phép 22% (với mức tăng này, chỉ tương đương 20%). Vì chậm trễ báo cáo với Bộ GD-ĐT, trường đã bị phạt hành chính.

Về việc “giấu doanh thu” 119 tỷ,  bà Phượng cho rằng: đây không phải là “giấu doanh thu” mà là ghi hạch toán sai chỗ trong báo cáo tài chính hàng năm của ĐH Hoa Sen. Cụ thể, đã ghi học phí này vào các dòng “học phí thu trước” và/hoặc “học phí phải trả” thay vì ghi đúng chỗ vào dòng “Doanh thu”. Việc này đã được ban kiểm soát nhà trường kết luận: đây là trường hợp “Bộ phận kế toán ghi sổ sách thu hạch toán không đúng trong báo cáo tài chính”.

Bà Phượng cũng cho hay: " Trách nhiệm chính trong vụ việc này là của kế toán tổng hợp, kế toán trưởng và phó hiệu trưởng trực tiếp phụ trách tài chính. Tất nhiên, cũng có trách nhiệm của hiệu trưởng. Nhưng cũng cần phải nói rõ, có trách nhiệm của ban kiểm soát và cơ quan kiểm toán, vì hàng năm ĐH Hoa Sen đều có kiểm toán độc lập”.

Ngoài ra, bà Phượng đã báo với HĐQT sau đó khắc phục với pháp luật. Nhà trường đã truy nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 2/2014 và nộp lãi chậm thuế là 15,3 tỷ (tiền nộp lãi vì chậm thuế 3,7 tỷ)

Từ phi lợi nhuận đến chia cổ tức 30%

Trong khi đó, giải thích về việc từ phi lợi nhuận đến chia cổ tức đến 30%, bà Bùi Trân Phượng cho biết: “Định hướng phi lợi nhuận có ngay từ ngày đầu thành lập trường vào năm 1991, khi thành lập Trường nghiệp vụ tin học và quản lý Hoa Sen được sự bảo trợ của UBND TP.HCM.

Sau đó, Trường Nghiệp vụ tin học và quản lý Hoa Sen được UBND TP.HCM chuyển thành Trường CĐ Bán công Hoa Sen trực thuộc Sở GD- ĐT TP.HCM, là trường phi lợi nhuận. Chỉ từ khi Trường CĐ Bán công Hoa Sen được nâng cấp thành  đại học, Trường ĐH Hoa Sen mới chịu sự chi phối các quy định pháp luật về ĐH tư.

Đúng thời điểm trường làm hồ sơ nâng cấp từ CĐ lên ĐH thì rơi vào thời điểm Chính phủ chủ trương không giữ mô hình bán công ở bậc ĐH, CĐ. Lúc bấy giờ Bộ GD-ĐT đưa cho trường dự thảo đề án chuyển đổi mô hình từ CĐ, ĐH bán công sang tư thục.

Vì vậy, trong quá trình trình đề án lên ĐH, Bộ GD-ĐT chỉ đạo “Nếu nâng cấp thành trường ĐH, về mặt chuyên môn Bộ có thể ủng hộ, nhưng về cơ chế phải theo chủ trương của Chính phủ. Vì vậy, đề án xin nâng cấp thành trường ĐH bán công không được chấp nhận và phải viết lại đề án ĐH tư thục mới được chấp nhận. Do đó, Bộ GD-ĐT lại cung cấp dự thảo đề án chuyển đổi mô hình từ bán công sang ĐH tư thục để chúng tôi tham khảo xây dựng đề án của mình. Trong dự thảo đề án chuẩn bị có ý “trần cổ tức”- tức định mức cổ tức là bao nhiêu.

Cụm từ “trần cổ tức” có trong dự thảo đề án từ đó. Nhưng khi nhà trường thành lập năm 2/2007, dự thảo này vẫn chưa được ký và vĩnh viễn không được ký do đó không có pháp lý...

Trong Quy chế tổ chức hoạt động của ĐH Hoa Sen ngay từ biên bản đầu tiên năm 2007, đại hội biểu quyết “ĐH Hoa Sen là ĐH tư thục hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận theo Nghị quyết Chính phủ số 05 ngày 18/4/2005”.

Vì vậy, hằng năm Trường ĐH Hoa Sen phân phối chênh lệch thu chi luôn quan tâm đến ý cổ tức bằng tiền mặt ở mức thấp, luôn so với lãi suất tiết kiệm cùng thời kì để định nó mức thấp nhất lãi suất tiết kiệm. Tuy nhiên, có năm lãi suất tiết kiệm được đẩy lên 12%, 14% nên lãi suất cổ tức của nhà trường cũng được đẩy lên.

Do dự thảo đề án không được ký nên không có điều khoản cụ thể nào để nhà trường cụ thể hóa chuyện phi lợi nhuận.

Đến năm 2012, Luật Giáo dục ĐH được ban hành và có hiệu lực từ tháng 1/2013, tiếp theo là Nghị định 141, ban hành tháng 10/2013, có hiệu lực từ 12/2013.

Trong Luật Giáo dục ĐH đó, có 2 ý làm thay đổi điều kiện hoạt động của trường phi lợi nhuận rõ rệt.

Thứ nhất,  trong Nghị quyết 05,  nhà nước dùng từ “phi lợi nhuận” nhưng đến Luật Giáo dục ĐH đổi thành “không vì lợi nhuận” do đó chúng tôi phải đổi đổi theo (dù vậy một thành viên trong hội đồng quản trị không đồng ý).

Về cam kết chia cổ tức đến 30%, nhà trường cam kết chia cổ tức nhưng cam kết thấp chứ không có cam kết cao vì đã ghi trong quy chế là "trường phi lợi nhuận" ( biểu hiện của phi lợi nhuận là cổ tức bằng tiền mặt thấp).

Nhưng ở Đại hội cổ đông thường niên năm 2013 của ĐH Hoa Sen cổ tức được chia cao vọt do mọi người biết rằng đây là lần cuối cùng có thể chia cổ tức bằng tiền mặt (từ sau trở đi việc chia cổ tức sẽ phải áp dụng Luật Giáo dục ĐH). Mặc dù theo đề nghị là 5% nhưng do đây là cơ hội cuối cùng nên nhiều thành viên đòi chia cổ tức lên 20%, rồi 30%.

Đề nghị không công nhận kết quả cuộc họp cổ đông bất thường

Trước đó, 30% cổ đông ĐH Hoa Sen tổ chức Đại hội cổ đông bất thường miễn nhiệm hiệu trưởng Bùi Trân Phượng, chủ tịch HĐQT Trần Văn Tạo và thành lập hội đồng quản trị mới. Tại đây, ông Nguyễn Trung Đức - chủ tọa đại hội bất thường cho hay: Đại hội bất thường là hợp lý do có hơn 100 cổ đông với hơn 70,08% cổ phần theo đúng quy chế của ĐH Hoa Sen (65% cổ phần).

Tuy nhiên, khẳng định trong chiều 4/8 ông Trần Văn Tạo, chủ tịch HĐQT ĐH Hoa Sen cho hay đại hội cổ đông bất thường là bất hợp pháp.

{keywords}
30% cổ đông biểu quyết tại cuộc họp bất thường ngày 2/8

Lý do được ông Tạo đưa ra: do trước đó vào ngày 20/6/2014 nhóm cổ đông này gửi yêu cầu ban kiểm soát triệu tập đại học cổ đông bất thường, đến ngày 24/06/2014 ban kiểm soát Trường ĐH Hoa Sen có thư gửi nhóm cổ đông về việc đã tiếp nhận thư yêu cầu cũng như thông báo xác lập quyền tổ chức Đại hội cổ đông bất thường là của ban kiểm soát. 

Trong khi ban kiểm soát đang lên kế hoạch và tiến hành các thủ tục để triệu tập họp Đại hội cổ đông bất thường theo yêu cầu của nhóm cổ đông sở hữu trên 30% cổ phần thì ngày 30/6 nhóm cổ đông đã yêu cầu ông Nguyễn Trung Đức – thành viên HĐQT triệu tập Đại hội cổ đông bất thường điều nay vi phạm pháp luật nhà nước và quy chế ĐH Hoa Sen (theo quy chế ĐH Hoa Sen trong trường hợp này HĐQT phải triệu tập Đại hội cổ đông chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày cổ đông yêu cầu bằng văn bản).

Thứ hai, đại hội cổ đông bất thường chưa đủ điều kiện để tiến hành: Trước đó, tại Đại hội cổ đông có 84 người tham gia với số cổ phần chiếm 70,08%.

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Tạo cho hay trong số 70,08% cổ phần này có nhiều cổ phần đang bị tranh chấp nên tổng số cố phần của Đại hội cổ đông bất thường chỉ được 59% vốn điều lệ (Theo quy chế ĐH Hoa Sen - Đại hội cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp ít nhất 65% số vốn có quyền biểu quyết).

Thứ ba, ĐHCĐ bất thường không không thảo luận về nội dung “không vì lợi nhuận” trong khi theo quy chế ĐHHS quy định tại Điều 8, khoản 7 ghi rõ: “Trường không vì mục tiêu lợi nhuận theo Luật Giáo dục ĐH”.

Còn bà Bùi Trân Phương cho rằng: “Đại hội cổ đông bất thường diễn ra vào ngày thứ bảy (2/8), ngay sau đó (ngày 3/8) ban giám hiệu nhà trường mới triệu tập họp và đã có công văn báo cáo gửi tới Bộ GD-ĐT, UBND TPHCM... yêu cầu không công nhận Đại hội đồng cổ đông bất thường. Với sinh viên nhà trường cũng đã gửi thông điệp hiệu trưởng tới các em.

  • Lê Huyền