Năm học 2024-2025 là năm học thứ 4 Trường THCS Bản Qua, huyện Bát Xát tổ chức học 5 ngày/tuần. 158 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 sẽ chỉ học tại trường từ thứ 2 đến thứ 6, lịch học chính khóa ngày thứ 7 sẽ được sắp xếp vào chiều thứ 2 và thứ 3.

Bà Bùi Thị Hồng Mơ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc học sắp xếp như trên được sự ủng hộ từ phía phụ huynh và học sinh.

Theo bà Mơ, với đặc điểm phần lớn các học sinh là người dân tộc thiểu số được nghỉ 2 ngày cuối tuần, các em sẽ giúp việc gia đình được nhiều hơn. Từ đó điểm chuyên cần học tập của các em cũng sẽ được nâng cao, tình trạng xin nghỉ học vào cuối tuần đã giảm hẳn trong 4 năm qua.

"Ban đầu, các em học sinh mới thay đổi lịch học có chút bỡ ngỡ, lơ là việc học chính khóa trong 2 buổi chiều, nhưng chỉ sau 2 tháng đầu tiên thực hiện các em đã quen và tỏ ra thích thú việc được nghỉ học ngày thứ 7", bà Mơ nói.

W-IMG_1456 2.JPG.jpg
Giờ học môn tiếng Anh tại Trường Tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh, huyện Bảo Yên. Ảnh: Đức Hoàng

Còn ông Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (huyện Bảo Yên) cho biết, lợi ích lớn nhất của việc học 5 ngày/tuần là các em học sinh, phụ huynh và giáo viên thuận lợi trong việc sắp xếp các công việc gia đình trong 2 ngày cuối tuần và thời khóa biểu sẽ gần như cố định trong cả năm học.

Ông Vinh chia sẻ, trước đây, để đảm bảo quy định làm việc 40h/tuần của người lao động, nhà trường phải sắp xếp lịch học, thời khóa biểu để các giáo viên luân phiên nghỉ ngày thứ 7, nay toàn bộ 28 giáo viên của nhà trường sẽ cùng được nghỉ ngày thứ 7 và sẽ dồn các tiết học ngày thứ 7 vào chiều thứ 2, thứ 3.

W-IMG_1445.JPG.jpg
Cô giáo Hoàng Thị Nhương phụ đạo thêm kiến thức cho học sinh trong giờ giải lao. Ảnh: Đức Hoàng

Cô giáo Hoàng Thị Nhương, giáo viên Sinh học, chủ nhiệm lớp 8 Trường Tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh thấy thoải mái khi được nghỉ trọn vẹn 2 ngày cuối tuần để chăm sóc gia đình.

"Thời gian đầu, dạy học 5 ngày liên tục cũng vất vả, mệt mỏi nhưng chỉ sau vài tháng tôi và các giáo viên nhà trường cũng đã quen với việc trên", cô Nhương nói.

Theo cô Nhương, học sinh nghỉ ngày thứ 7 gia đình cũng phải quan tâm tới các em hơn tránh để các em nghỉ ở nhà sa đà vào các tệ nạn xã hội.

Sau 5 năm thí điểm việc cho học sinh nghỉ học thứ 7, Sở GD-ĐT Lào Cai cho biết, việc thực hiện chủ trương trên mang lại nhiều kết quả tốt. Cụ thể, việc tổ chức dạy học 5 ngày/tuần học sinh được nghỉ 2 ngày cuối tuần, giáo viên có điều kiện bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn; học sinh được tham gia các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa và rèn kỹ năng sống, phát triển toàn diện...

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Lào Cai, về cơ bản, khi tổ chức dạy học 5 ngày/tuần nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh. Quá trình thăm dò phản hồi từ các bên, Sở GD-ĐT tỉnh Lào Cai cho rằng, phụ huynh, học sinh phấn khởi do có nhiều thời gian con cái gần gũi cha mẹ hơn, phù hợp với cả bộ phận cán bộ nhà nước và người lao động.

Sở GD-ĐT tỉnh Lào Cai cho biết, việc thí điểm được thực hiện từ năm 2019, thời điểm này, ngoài Lào Cai chưa có tỉnh nào thực hiện (chỉ có một số trường tư thục Hà Nội, Hải Phòng đã thực hiện). 

Việc thí điểm được Sở GD-ĐT tỉnh triển khai dựa trên hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và đề xuất của các phòng GD-ĐT, cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh. Trên căn cứ đó, Sở GD-ĐT Lào Cai đã ban hành văn bản số 1631 ngày 26/9/2019 về việc hướng dẫn tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục cấp THCS. Sở giao cho phòng GD-ĐT căn cứ tình hình thực tế có thể triển khai dạy học 5 ngày/tuần, nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc đưa ra. 

Các nguyên tắc gồm: Đảm bảo kế hoạch thời gian năm học của UBND tỉnh; Đảm bảo thời lượng các môn học và hoạt động giáo dục được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS; không được cắt xén chương trình; Đảm bảo tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần; Không được dồn ép gây “quá tải” đối với học sinh.

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Lào Cai, việc áp dụng dạy học 5 ngày/tuần không tăng thêm gánh nặng cho giáo viên. Trái lại, đa số giáo viên rất phấn khởi, nhất là bộ phận giáo viên vùng cao xa nhà có thời gian nhiều hơn để chăm sóc con cái, gia đình; có nhiều thời gian để tái tạo sức lao động trong điều kiện công tác vùng cao đi lại khó khăn.