Theo báo RT, cuộc tập trận diễn phía trên bán đảo Kamchatka ở khu vực Thái Bình Dương thuộc Nga. Một trong các tiêm kích MiG-31 đóng vai trò là máy bay địch xâm nhập không phận của Nga ở vận tốc và độ cao tối đa, trong khi một chiếc MiG-31 khác cất cánh để ngăn chặn nó.
Phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương của Nga cho hay, để khiến cho sứ mệnh trở nên khó khăn hơn, tiêm kích làm nhiệm vụ ngăn chặn phải tự xác định vị trí của chiến đấu cơ đối địch mà không có bất kỳ trợ giúp nào từ trung tâm kiểm soát dưới mặt đất.
Đoạn video do kênh truyền hình Zvezda công chiếu ngày 19/8 cho thấy, MiG-31BM đang cất cánh từ sân bay trước khi đạt đến độ cao 20km trong không trung và di chuyển với vận tốc 2.500 km/h. Từ buồng lái của chiến đấu cơ này, người xem có thể chiêm ngưỡng đường cong của Trái đất cũng như tiêm kích đóng vai xâm phạm không phận.
MiG-31 của Nga (NATO định danh là Foxhound) hiện là một trong những tiêm kích đánh chặn nhanh nhất thế giới, với vận tốc tối đa lên tới 3.000 km/h. MiG-31BM là phiên bản nâng cấp của mẫu tiêm kích này dành cho Lực lượng vũ trụ Nga (RAF). Một số nguồn thạo tin tiết lộ, hiện có gần 250 chiếc MiG-31BM đang biên chế hoạt động trong các đơn vị của RAF.
Theo tờ The National Interest, MiG-31BM là tiêm kích đánh chặn cỡ lớn, dài gần 22,7m, cao 6,2m với sải cánh 13,5m cùng trọng lượng cất cánh tối đa đến 46,2 tấn. Nhờ động cơ tua- bin phản lực Aviadvigatel D30-F6, MiG-31BM có thể bay liên tục 1.450km với tốc độ cận âm ở độ cao 10km hoặc 720km nếu bay tốc độ Mach 2.35 (hơn 2.900 km/h) ở độ cao 18km sau một lần tiếp đầy nhiên liệu.
Quân đội Nga được tin đã trang bị cho MiG-31BM các tên lửa R-37M chuyên dùng để tiêu diệt chiến đấu cơ đối địch. Tên lửa R-37M nặng 600kg, dài 4,2m, có thể đạt vận tốc siêu thanh (1.235 km/h) và đạt tầm bắn xa tới 398km, vượt trội so với tên lửa AIM-54 Phoenix, tầm bắn khoảng 190km của Hải quân Mỹ.
Ngoài ra, khi tham chiến, MiG-31BM còn mang theo các tên lửa không đối không tầm ngắn và tầm trung tiên tiến hơn như R-73 và R-77, các tên lửa chống radar Kh-31P, Kh-58 cũng như tên lửa không đối đất Kh-29 hoặc tên lửa hành trình tầm xa Kh-59.
XEM VIDEO TỰ TẠO CỦA BÀI:
Tuấn Anh