- Phát biểu tại ĐH Thanh Hoa nhân 100 năm thành lập trường, vào ngày 24/4, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào không quên kêu gọi sinh viên nuôi tham vọng, còn các giáo viên cần khuyến khích sinh viên phát huy cá tính bằng suy nghĩ độc lập.
TIN BÀI KHÁC

Ông nói: “Tôi hy vọng các sinh viên trẻ cố gắng phát triển xuất sắc cả học thuật lẫn đạo đức, cả về tư tưởng đổi mới và những kinh nghiệm thực hành của họ và kết hợp chung sự phát triển của chúng với những đặc trưng cá nhân của mình”.

Không chỉ nuôi tham vọng, ông nhắc sinh viên cần cù và phấn đấu để xây dựng tương lai.

Với các nhà giáo dục, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh, cần làm việc theo đạo đức nghề nghiệp và khuyến khích sinh viên phát huy cá tính theo suy nghĩ độc lập.

Hiệu trưởng trường Thanh Hoa, ông Cố Bỉnh Lâm khẳng định trường ĐH hàng đầu của Trung Quốc này sẽ đặt những mục tiêu cao hơn, nâng cao các tiêu chuẩn giáo dục, xuất xưởng tài năng và công trình nghiên cứu khởi điểm, tiếp tục cho ra những khám phá, trao đổi và hợp tác quốc tế, đối mặt với các thách thức toàn cầu.
Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập. Nguồn: ĐH Thanh Hoa
Được coi là một trong những sự kiện lớn nhất năm nay ở Bắc Kinh về giáo dục, trước khi diễn ra lễ kỷ niệm, ĐH Thanh Hoa đã tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo. Ước tính trong những ngày diễn ra các hội thảo, triển lãm, hội trại và các hoạt động khác, đã có khoảng 50,000 cựu sinh viên từ trong và ngoài nước về trường chia vui.

Được thành lập vào năm 1911 với mục đích đào tạo sinh viên để du học tại Mỹ, ĐH Thanh Hoa nay là một trong những tổ chức giáo dục bậc cao của Trung Quốc.

Nơi đây từng là nơi học tập của nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của Trung Hoa như Chu Dung Cơ và đương kim chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Tập Cận Bình, Ngô Bang Quốc... đều là cựu sinh viên của trường.

Trường còn là nơi sản sinh ra những nhà khoa học nổi tiếng là Dương Chấn Ninh (Chen Ning Yang), Lý Chính Đạo (Tsung-Dao Lee) - giải Nobel Vật lý 1957, Trần Tĩnh Thân (Siing-Shen Chern) – giải Wolf 1984 và những nhà văn lớn như Tào Ngu, Hồ Phong,…

Ngoài ra, khoảng 170,000 cựu SV của Thanh Hoa đang có những đóng góp đáng kể trên nhiều lĩnh vực.

Là  ĐH hàng đầu với việc thi tuyển đầu vào rất gắt gao, ĐH Thanh Hoa còn được biết đến như một trong các trường đầu đàn ở châu Á. Năm 2010, trường xếp hạng thứ 58 về các chỉ số học thuật – đào tạo và xếp thứ 35 về danh tiếng trong bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới do Times Higher Education đánh giá.

Theo hiệu trưởng của ĐH Yale, các trường ĐH như Thanh Hoa hay Bắc Kinh sẽ là đối thủ đáng gờm trong tương lai của các trường đại học “sừng sỏ” như Oxford hay Cambridge.

Hiện tại, với tham vọng trở thành những đại học top 10 trên thế giới, Thanh Hoa đang tích cực chiêu mộ các tài năng từ ngoại quốc về giảng dạy và nghiên cứu.

Ngoài ra trường còn đưa ra những học bổng để thu hút các sinh viên xuất sắc trên thế giới về đây học tập.

  • Vũ Ngân (tổng hợp)