Vay vốn nuôi ngựa bạch 

Nhấp một ngum nước sau khi vừa cho những con ngựa bạch ở trong chuồng ăn cỏ, chị Nguyễn Thị Nguyên (xóm Phẩm 2, xã Dương Thành, huyện Phú Bình, Thái Nguyên) - một hộ chăn nuôi  ngựa bạch kể, nhà chị hiện có khoảng 20 con ngựa bạch, thu nhập từ việc nuôi ngựa và nấu cao mỗi năm thu về khoảng 500 – 600 triệu đồng. Nhờ đó, cuộc sống của vợ chồng chị đang thay đổi từng ngày.

Chị Nguyên kể, xóm này (xóm Phẩm - PV) bây giờ khác xa so với chục năm về trước, một phần nhờ sự nỗ lực của bà con, một phần là nhờ vào nghề nuôi ngựa bạch. Nếu như trước đây, xóm Phẩm chỉ toàn là những mái nhà lụp xụp, thì nay là những căn nhà cao tầng khang trang với đầy đủ trang thiết bị hiện đại. Số hộ nghèo của xóm theo đó cũng đã giảm mạnh.

Hồi đó, gia đình chị Nguyên cũng thuộc diện khó khăn, phải lo cơm gạo từng bữa. Tuy nhiên sau đó thấy ngựa bạch ngày càng có giá, vợ chồng chị mạnh dạn gia nhập Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi ngựa bạch xóm Phẩm.

“Từ khi vào HTX, vợ chồng tôi được vay nguồn vốn ưu đãi nên quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi ngựa thương phẩm. Mỗi một đợt chúng tôi nhập khoảng 20 con”, chị kể.

Chị Nguyên cho hay, giá thành ngựa bạch cao hơn các loại ngựa khác, ngựa đủ tiêu chuẩn nấu cao (tối thiểu đủ 36 tháng tuổi) có giá từ 50 đến 80 triệu đồng, trong khi ngựa thường chỉ có giá khoảng 20 triệu đồng/kg.

Không chỉ nuôi ngựa, vợ chồng chị còn kiêm luôn nghề nấu cao, chế biến các loại thực phẩm từ ngựa bạch. Giò ngựa bạch được coi là đặc sản ở đây khi có giá gần 300 ngàn đồng/kg.

Chị Nguyên kể, chị cung cấp thịt, giò ngựa bạch cho nhiều nhà hàng, khách sạn ở TP Thái Nguyên và cả Hà Nội.

Năm 2015, nhờ nuôi ngựa bạch, vợ chồng chị không những thoát khỏi cảnh nghèo khổ mà  xây được ngôi nhà cao tầng khang trang.

Chỉ tay về chiếc ô tô để ở góc sân nhà, chị Nguyên cho hay, “Chiếc ô tô có giá 700 triệu đồng kia cũng được mua từ  ngựa bạch”.

{keywords}
Nhiều hộ dân ở Thái Nguyên đã đổi thay nhờ  nghề nuôi ngựa bạch

Anh Dương Văn Cường, một trong những hộ nuôi ngựa bạch ở làng Phẩm cho biết, trước đây, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo khi chỉ trông chờ vào duy nhất 3 sào đất lúa. Tuy nhiên, thấy ngựa bạch ngày càng có giá, anh mạnh dạn thế chấp nhà đất, vay được gần 50 triệu mua đôi ngựa bạch sinh sản. Thời gian sau, ngựa mẹ đẻ ngựa con, được bao nhiêu anh quyết định để nuôi tất.

“Hiện thu nhập của gia đình tôi đạt trên 100 triệu đồng/năm. Tiền vay mượn cũng đã trả hết. Tôi còn cất được căn nhà ngói khang trang, ba đứa con đều được học hành đến nơi, đến chốn. Tất cả là nhờ nuôi ngựa bạch”, anh Cường khoe.

Theo anh Cường, việc quan trọng trong chăn nuôi ngựa bạch là khâu chọn giống, phải phân biệt được ngựa bạch với ngựa kim (ngựa trắng), ngoài lông da toàn thân màu trắng hồng, mũi, miệng, hậu môn và bộ phận sinh dục màu hồng đỏ, 4 chân có móng màu trắng ngà.

“Một đặc điểm rất quan trọng để nhận biết ngựa bạch là đôi mắt đặc biệt. Mắt ngựa bạch phải có màu trắng, con ngươi phải đỏ rực lên khi gặp ảnh đèn khi trời tối. Đó đích thị là ngựa bạch, còn không là ngựa kim”, anh cường miêu tả.

HTX giúp dân làm giàu

Được biết, hơn chục năm về trước, người dân xã Dương Thành, huyện Phú Bình đã nuôi ngựa để lấy sức kéo thay trâu, bò. Dần dần nhận thấy những giá trị và lợi ích kinh tế từ việc chăn nuôi ngựa đem lại, người dân nơi đây đã nuôi ngựa với số lượng lớn và trở thành một nghề ở địa phương giúp bà con trong vùng làm giàu. 

Năm 2011, HTX Chăn nuôi ngựa bạch xóm Phẩm, xã Dương Thành được thành lập với 42 thành viên. Đến năm 2014, làng Phẩm được công nhận là làng nghề chăn nuôi, chế biến các sản phẩm từ ngựa.

Nhằm giúp các thành viên trong HTX phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, bắt đầu từ năm 2013, HTX chăn nuôi ngựa bạch đã thay đổi phương thức kinh doanh để phù hợp với thị trường.

Để hỗ trợ các thành viên, ngoài việc tăng cường tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, trao đổi kinh nghiệm về chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh cho đàn ngựa, HTX còn phối hợp với các đơn vị tạo điều kiện cho vay vốn với lãi suất thấp, giúp các thành viên đầu tư, mở rộng sản xuất, từ đó góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế của các hộ thành viên.

Bên cạnh đó, thông qua việc tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ Xuân, hội chợ "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) của tỉnh, các thành viên trong HTX đã chủ động quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội.

Từ đó nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa các sản phẩm chế biến từ ngựa của HTX ra thị trường cả nước, góp phần tăng doanh thu của HTX lên hàng năm.

Năm ngoái, doanh thu của HTX chăn nuôi ngựa bạch xóm Phẩm đạt trên 5 tỷ đồng, thu nhập bình quân của mỗi hộ thành viên đạt từ 100 triệu đồng/năm trở lên.

Hồng Nhì
Ảnh: Diệu Thúy