- Còn rất nhiều việc cần làm để Việt Nam có được những thế hệ nữ doanh nhân đầy nội lực, mạnh mẽ, tự tin, những “bông hồng vàng” trở thành nguồn cảm hứng cho tất thảy phụ nữ từ nông thôn đến thành thị.
Những ngày qua, Lê Diệp Kiều Trang trở thành một trong những cái tên hot nhất trên truyền thông cũng như mạng xã hội. Cô là tân CEO của Facebook Việt Nam, với hình tượng quả thực rất thu hút và có sức truyền cảm hứng.
Đó là một phụ nữ trẻ xinh đẹp có hai con, từng tốt nghiệp thạc sĩ trường Kinh doanh Sloan nổi tiếng tại Viện Công nghệ Massachusette (MIT-Mỹ), có chồng là một nhà công nghệ tài ba. Trước khi trở thành CEO của Facebook Việt Nam, vợ chồng cô vừa bán thành công doanh nghiệp khởi nghiệp đầu tiên trị giá 226 triệu USD.
Có lẽ Lê Diệp Kiều Trang sẽ là một thần tượng của nhiều cô gái trẻ mong muốn có học thức cao rồi trở thành doanh nhân và bước ra xã hội “kinh bang tế thế”, kiếm thật nhiều tiền, trong khi vẫn có một gia đình hạnh phúc. Tuy nhiên, những trường hợp như cô chắc vẫn rất hiếm hoi.
Và thực ra kinh doanh với phụ nữ càng khó khăn gấp bội so với nam giới, cho dù trên thương trường Việt Nam đã vang danh một số “nữ tướng” như bà Mai Kiều Liên ở Vinamilk, bà Phạm Thị Việt Nga ở Dược Hậu Giang, bà Phạm Thị Huân - nữ hoàng trứng vịt Ba Huân…
Chẳng hạn, khác với Lê Diệp Kiều Trang, một nữ doanh nhân trẻ sinh ra trong một gia đình doanh nhân, được học hành bài bản, bà Ba Huân sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khó có 8 anh chị em ở Long An. Chưa học hết tiểu học, bà phải theo mẹ ra chợ tập tành bán trứng. Đến 16 tuổi thì bà chính thức được mẹ tin tưởng giao cho nghiệp kinh doanh “gia truyền”. Bà đi khắp các vùng quê thu mua trứng. Nhờ siêng năng và chịu khó, vựa trứng của bà lớn dần. Cho tới năm 1970, khi bà kết nối việc buôn trứng từ các tỉnh miền Tây lên Sài Gòn thì việc buôn bán ngày càng phát triển. Cách bà Ba Huân khởi nghiệp có lẽ gần với cách mà nhiều doanh nhân nữ Việt Nam khởi nghiệp hơn.
Phần lớn trong số họ là các doanh nghiệp làm giàu từ hai bàn tay trắng. Và thực sự thì đời không cho họ hoa hồng hay thảm đỏ, mà phải tự lực làm giàu, đồng thời phải đấu tranh để có một chỗ đứng trong một quốc gia còn nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ.
Con đường không trải hoa hồng
Trong công việc của mình, tôi đã gặp không ít nữ doanh nhân thành đạt, mà để làm được điều đó, họ đều phải vượt qua nhiều định kiến, trở ngại.
Một nữ doanh nhân ở Hà Nội từng tâm sự với tôi: “Tôi trưởng thành từ vị trí nhân viên, lên phó phòng, trưởng phòng rồi phó giám đốc và từng nghĩ khó có thể đi xa hơn dù mình có năng lực, vì công ty của tôi toàn nam giới làm lãnh đạo.
Một cậu trưởng phòng dưới quyền phụ trách của tôi có lần thú thực là vì tôi rất tốt, làm việc có trách nhiệm nên cậu mới không nghỉ việc, chứ không bao giờ muốn làm việc dưới quyền sếp nữ.” Ngay cả các nhân viên nữ trong công ty chị cũng luôn nghĩ chắc cấp trên bổ nhiệm chị chỉ vì cần có “hương hoa” cho ban giám đốc khi ra quyết định đỡ căng thẳng. Để chứng minh năng lực bản thân, được bổ nhiệm lên làm Tổng giám đốc, chị đã phải nỗ lực gấp bội các đồng nghiệp nam.
Một nữ doanh nhân khác ở TP.HCM thì so sánh rất sinh động rằng: “Là nữ doanh nhân tôi thấy mình khác biệt với các doanh nhân nam rất nhiều. Ví dụ như chiều chiều, các anh ấy thấy căng thẳng, mệt mỏi chỉ cần gọi về nhà báo bận là tha hồ đi gặp gỡ bạn bè, đi chơi thể thao… Còn tôi thì phải làm sao mau mau chóng chóng thu xếp công việc và về nhà lo chăm sóc gia đình. Có căng thẳng mấy cũng phải nén lại trong lòng.
Chồng tôi là nhà chuyên môn, có nói với anh ấy cũng chỉ rối hơn chứ không thể hiểu và cảm thông hay chia sẻ. Hơn nữa, không lẽ đi cả ngày, về tới nhà cũng lại đem chuyện công ty ra nói. Cái gọi là “giỏi việc nước, đảm việc nhà” với phụ nữ Việt Nam mà nói nhiều khi chẳng khác nào… một cổ hai tròng”.
Theo ông Raymond Mallon, Cố vấn cao cấp, Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam, việc thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ giúp tăng 26% GDP thế giới, tại Việt Nam có thể tăng được 10% đến năm 2025."Ở cấp độ doanh nghiệp, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia và những công ty này có mức lợi nhuận lớn hơn, doanh nghiệp có thể đổi mới tốt hơn.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy trao quyền kinh tế cho phụ nữ sẽ giúp mang lại nhiều kết quả công bằng hơn, cải thiện năng suất và tăng trưởng GDP. Bên cạnh đó mang lại kết quả xã hội tốt hơn, doanh nghiệp hoạt động tốt hơn". Tuy nhiên, điều này quả thực không dễ, nhất là trong bối cảnh việc trao quyền cho phụ nữ ở Việt Nam đang có những bước thụt lùi trong vài năm gần đây.
Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) mới công bố hồi tháng 1/2018, khoảng cách giới của Việt Nam đã giảm từ vị trí 42 (2007) xuống 62 (2016). Chỉ số về cơ hội kinh tế đã giảm từ vị trí 11 xuống 33. Nghiên cứu các tác động của việc cải thiện môi trường kinh doanh đối với phụ nữ này cũng chỉ ra rất nhiều bất bình đẳng. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ thấp hơn nam và có xu hướng giảm khi quy mô doanh nghiệp tăng; vấn đề khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp còn khó khăn. Đặc biệt, doanh nghiệp nữ đang bị kiểm tra nhiều và chịu mức chi phí không chính thức cao hơn nhiều doanh nghiệp nam.
Khó khăn trong vay vốn của doanh nghiệp nữ có xu hướng tăng trong khi các doanh nghiệp nam có xu hướng giảm. Phụ nữ cũng thường thiếu kinh nghiệp và kỹ năng khi khởi nghiệp và khả năng vay vốn kinh doanh thấp hơn nam vì vốn xã hội của họ yếu hơn.
Rõ ràng, để phụ nữ có thể bình đẳng hơn, được trao quyền nhiều hơn trong kinh tế không thể chỉ trên lời nói, mà Nhà nước cần có những chính sách, hành động cụ thể, hiệu quả thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp nữ. Trong đó, đặc biệt chú trong xây dựng khuôn khổ pháp luật kinh doanh bình đẳng giới, giảm bớt gánh nặng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, đảm bảo tiếp cận nguồn lực dễ dàng hơn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó cần có các hỗ trợ như đào tạo, tập huấn, tư vấn, huấn luyện và cung cấp các dịch vụ tư vấn về tài chính và pháp lý. Đồng thời, Nhà nước cần tăng cường vai trò của các nữ doanh nhân trong các hiệp hội kinh doanh nhằm làm cho các hoạt động của hiệp hội này phù hợp hơn với phụ nữ. Các khoản vay cần được thiết kế với những số tiền nhỏ được bảo lãnh với chiết khấu tài chính để hỗ trợ nữ sinh viên mới tốt nghiệp đại học tìm kiếm việc làm và khởi nghiệp.
Còn rất nhiều việc cần làm để Việt Nam có được những thế hệ nữ doanh nhân đầy nội lực, mạnh mẽ, tự tin, những “bông hồng vàng” trở thành nguồn cảm hứng cho tất thảy phụ nữ từ nông thôn đến thành thị.
Nguyễn Anh Thi