- "Chuyện làm hồ sơ di sản cho cầu Long Biên phải gấp lên, đừng chần chừ gì nữa, đây là việc trong tầm tay của Bộ", GS.TS Lưu Trần Tiêu, chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia lên tiếng việc xúc tiến làm hồ sơ công nhận cầu Long Biên là di tích quốc gia.

Ngày 4/3, Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch (VH-TT-DL) Hà Nội chính thức lập tờ trình gửi UBND thành phố nhằm xin phép chủ trương cho Sở chủ động phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) làm hồ sơ xếp hạng di tích cầu Long Biên.

{keywords}

Có thể công nhận trong năm nay

Trả lời phỏng vấn báo VietNamNet sáng 6/3, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội nói việc phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT là cần thiết vì cầu Long Biên đang nằm trong quản lý của Bộ. Quan điểm của Sở trước nay vẫn rất rõ ràng, là phải bảo tồn nguyên trạng và phát huy giá trị của cây cầu lịch sử.

Được biết, Hà Nội đang có gần 6.000 di tích nằm trên địa bàn và hàng năm Sở đều kiểm kê danh mục và lập hồ sơ cho các di tích, di sản cần trình lên Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản cấp quốc gia. Nếu xin được chủ trương của thành phố, Sở sẽ ưu tiên đưa cầu Long Biên vào danh sách này để có thể được công nhận ngay trong năm nay. Song song với tờ trình là đề án phát huy giá trị của cây cầu vắt qua ba thế kỷ, kể từ khi được khởi công xây dựng vào năm 1899 và hoàn thành năm 1902.

{keywords}
Cầu Long Biên trong thời chống Mỹ.

Việc công nhận có ý nghĩa đặt cầu Long Biên dưới sự bảo vệ của Luật di sản, sau khi có một phương án từ phía ngành giao thông đề xuất dỡ bỏ cây cầu, gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội. Ngày 28/2, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: "Phải bảo tồn nguyên trạng cầu Long Biên". Thông điệp khiến các nhà khoa học, lịch sử, văn hóa thở phào nhẹ nhõm sau khi nêu nhiều ý kiến đấu tranh mạnh mẽ để giữ lại cây cầu.

Cần ưu tiên bảo tồn trước

Về chiến lược ứng xử với cầu Long Biên sau khi có thông tin xúc tiến hồ sơ di sản cho cây cầu, GS.TS Lưu Trần Tiêu nêu ý kiến: "Phải thấy được giá trị khoa học, văn hóa, lịch sử trước khi đòi hỏi nó phải đóng góp vào kinh tế - xã hội của thành phố".

{keywords}
Hình ảnh một bạn trẻ tỏ tình dưới chân cầu Long Biên.

Theo ông, trước khi tính đến việc khai thác cho dân sinh hay du lịch, phải ưu tiên bảo vệ cây cầu. "Thời gian và những vết thương chiến tranh đã làm cầu yếu đi rất nhiều, cần phải gia cường, gia cố lại trụ móng và nhiều bộ phận khác của cây cầu. Sau đó từng bước khôi phục lại nguyên trạng cây cầu. Đây là quá trình phải lâu dài, đòi hỏi làm từng bước thật khoa học", ông nói. Sau khi hoàn thành khôi phục nguyên trạng, cầu Long Biên có thể đóng vai trò phục vụ dân sinh, cho phép người dân đi bộ hoặc đạp xe qua lại cây cầu và các hoạt động du lịch, văn hóa.

Về chuyện xây cầu mới để giải quyết giao thông qua sông Hồng, GS.TS Lưu Trần Tiêu cho rằng không nên vội vã phủ nhận đề xuất của Bộ GTVT vì đây cũng là việc làm cấp bách. Đặc biệt là việc phải đảm bảo tuyết đường sắt Bắc - Nam luôn được khơi thông và nối liền. Tuy nhiên, các phương án cần phải lấy ý kiến phản biện xã hội trước khi tiến hành.

Theo ông, phương án xây cầu mới cách cầu Long Biên 30m là quá gần, không chỉ khó cho việc giải quyết giao thông hai đầu cầu, mà còn phá vỡ cảnh quan và che khuất cầu cũ. Phương án xây cầu mới cách 186m về phía thượng nguồn là hợp lý và thật ra phương án này đã từng được Văn phòng Chính phủ thông báo đồng ý hồi năm 2010.

Minh Chánh