Khoa học công nghệ phải đi trước

Đó là câu chuyện buồn được nguyên Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát chia sẻ tại hội nghị triển khai Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn 2050 sáng 25/4.

Ông Phát nhận định, để duy trì tốc độ phát triển của ngành nông nghiệp, phải dựa nhiều hơn vào KHCN; song, triển khai như thế nào cần phải làm rõ. 

Nhấn mạnh rằng trong nông nghiệp có những thứ không thể nhập khẩu như giống cây trồng, kỹ thuật canh tác; phải được nghiên cứu để phù hợp với từng vùng, từng địa phương, song nguyên Bộ trưởng chỉ ra thực trạng: “Tâm lý nhà khoa học ngại làm chủ nhiệm đề tài với cơ chế thanh quyết toán như hiện nay. Hồ sơ thanh quyết toán còn dày hơn hồ sơ kết quả nghiên cứu đề tài khoa học".

"Điều này làm tổn hao tâm lực nhà khoa học”, ông Phát nói.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2022, tất cả các lĩnh vực ngành nông nghiệp đều tăng trưởng cao. Riêng lúa đạt 42,7 triệu tấn; sản lượng thịt đạt 7,06 triệu tấn, trứng đạt 18,3 tỷ quả, sữa 1,28 triệu tấn, thuỷ sản cán mốc 9 triệu tấn, lâm nghiệp đạt 39 triệu m3 gỗ rừng trồng... Xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 53,3 tỷ USD.

“Nông nghiệp, nông dân, nông thôn nếu không có khoa học công nghệ (KHCN) thì không có thành tựu hôm nay”, ông khẳng định. KHCN đóng góp 35% giá trị toàn ngành nông nghiệp. Trong tất cả các lĩnh vực nông nghiệp đều có sự tham gia của KHCN. 

“Chúng ta có 85% giống lúa mới, 89% giống lúa chất lượng cao. Chưa bao giờ năng suất lúa cao như năm 2022, trong đó lúa ở ĐBSCL đạt 7,18 tấn/ha. Cả thế giới chưa quốc gia nào công bố vắc xin dịch tả lợn châu Phi, chúng ta nghiên cứu thành công và đưa vào ứng dụng”, ông Tiến dẫn chứng.

Các đề tài nghiên cứu khoa học phải sát với chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp (Ảnh: IT)

Theo GS. Viện sĩ Trần Đình Long, nông nghiệp Việt Nam là nông nghiệp nhiệt đới, nông nghiệp tuần hoàn. Do đó, các đề tài nghiên cứu khoa học phải tập trung làm lớn hơn. 

Đơn cử, ở nước ta chỉ riêng phế phụ phẩm nông nghiệp đã lên tới con số hàng trăm triệu tấn mỗi năm. Chỉ cần tái chế nguồn phế phụ phẩm này cũng sẽ thu được khoảng 30 tỷ USD. Chúng ta phải tập trung nghiên cứu khoa học hướng tới những vấn đề cụ thể như vậy. 

Hay với ĐBSH, có thể làm đề tài quốc gia phát triển chương trình sữa đậu nành và thức ăn chăn nuôi. Ở đây có hàng nghìn ha đất ruộng tại các tỉnh bị bỏ không, rất lãng phí. Nếu làm đậu tương vụ đông trồng 500 nghìn ha, chỉ lấy 2 tấn/ha chế biến thành sữa đậu nành thì bài toán hiệu quả đã khác rất nhiều. Theo ông, định hướng nghiên cứu khoa học là quan trọng, nhưng hiện nay nghiên cứu cơ bản rất kém.

Sau cánh cửa nghiệm thu, đề tài khoa học sẽ đi đâu?

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Chiến lược phát triển NN-PTNT bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và Chiến lược phát triển KHCN và Đổi mới sáng tạo ngành NN-PTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được ban hành. 

Bộ trưởng cho rằng, mỗi nhà khoa học cần tự trả lời câu hỏi: Sản phẩm nghiên cứu, đề tài khoa học của mình sau khi nghiệm thu sẽ đi đâu (Ảnh: IT)

Theo Bộ trưởng Hoan, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo bắt đầu từ ý tưởng của một người, nhưng để hoàn thiện ý tưởng đó cần sự góp sức, hợp tác của nhiều người. Ý tưởng của người này sẽ dẫn dắt, kết nối ý tưởng người khác. 

Thước đo giá trị của sản phẩm nghiên cứu khoa học, giải pháp công nghệ không tuỳ thuộc vào mức độ nguồn kinh phí, mà chính là giá trị lan toả đến những cánh đồng, trên những cánh rừng, những đội tàu ra khơi khai thác, những hộ gia đình chăn nuôi đang chao đảo do giá cả nguyên liệu tăng cao. 

Bộ trưởng cho rằng, mỗi nhà khoa học cần tự trả lời những câu hỏi: Sản phẩm nghiên cứu, đề tài khoa học của mình sau khi nghiệm thu sẽ đi đâu, có được lan toả để thực sự tạo thành giá trị chung của xã hội không? Những mô hình khuyến nông, chuyển giao KHCN sau vài năm có tồn tại bền vững không? 

“Dù vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, hạn chế về nguồn lực, nhưng tôi tin các nhà khoa học vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu, liên tục đổi mới sáng tạo để tạo ra nhiều sản phẩm tốt hơn, mới hơn, hiệu quả hơn được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp”, Bộ trưởng nói.