Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Lê Hồng cho biết, năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỷ USD và nhập khẩu đạt 117,87 tỷ USD.

Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Trung Quốc đang là thị trường tiêu thụ nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam với triển vọng tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp nói chung và đăng ký nhãn hiệu nói riêng của người nộp đơn Việt Nam tại Trung Quốc hiện khá khiêm tốn và tỷ lệ văn bằng bảo hộ được cấp chưa cao. Một phần nguyên nhân của thực trạng này là việc doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu biết về việc bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Trung Quốc và càng thiếu kinh nghiệm xác lập quyền đối với các đối tượng này tại Trung Quốc.

hang viet ocp.jpg
Tìm cơ hội đưa hàng Việt xuất khẩu. (Ảnh: Bảo Anh)

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam có thể thành công trong đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tại các thị trường xuất khẩu, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam đang nỗ lực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ như: Đàm phán, gia nhập các hiệp định thương mại tự do, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc đăng ký quyền sở hữu công nghiệp ở nước ngoài; xây dựng các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ; thiết lập các kênh tư vấn trong nước nhằm cung cấp cho doanh nghiệp thông tin đầy đủ và hiệu quả đối với việc triển khai đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài...

Tại hội thảo, các chuyên gia của Cơ quan Sở hữu trí tuệ Trung Quốc (CNIPA) và luật sư của Văn phòng luật sư SANYOU đã chia sẻ những thông tin giá trị về hệ thống bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của Trung Quốc như: Quy định pháp luật và thực tiễn thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc; kinh nghiệm hỗ trợ chủ đơn nước ngoài đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý tại Trung Quốc; kinh nghiệm tổ chức quản lý và khai thác, phát triển nhãn hiệu cộng đồng và chỉ dẫn địa lý tại Trung Quốc...

Đến nay, Hà Nội có gần 100 sản phẩm nông nghiệp, làng nghề đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và 2 sản phẩm đang được thẩm định bảo hộ chỉ dẫn địa lý (Gà mía Sơn Tây và Bưởi đường La Tinh - Hoài Đức)...

Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ đã nhận được sự quan tâm của các đối tác nước ngoài như: Mây tre đan Phú Nghĩa; sản phẩm sơn mài Hạ Thái - Duyên Thái; tranh thêu tay Thường Tín; giày da Phú Yên - Phú Xuyên; nhãn chín muộn Quốc Oai; chuối Vân Nam…

Bảo Anh