Cùng với trên 30 mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, các địa phương trong tỉnh Phú Yên đã thực hiện 54 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất lĩnh vực nông nghiệp.
Tổng cộng có 353 hộ tham gia (gồm 120 hộ nghèo, 204 hộ cận nghèo và 29 hộ mới thoát nghèo). Các mô hình phổ biến như nuôi bò lai sinh sản, dê sinh sản, heo đen sinh sản, vịt xiêm thịt, gà thương phẩm... Từ đây, đời sống của người nghèo từng bước được nâng cao, nhiều hộ thoát nghèo bền vững, đa chiều.
Tại huyện Tây Hoà, năm 2024, huyện phấn đấu giảm 178 hộ nghèo, với 631 nhân khẩu, tỷ lệ giảm 0,51%. Để đạt mục tiêu trên, từ đầu năm đến nay, bên cạnh các chính sách chăm lo cho người nghèo về BHYT, phòng chống suy dinh dưỡng, sửa chữa xây mới nhà ở, hỗ trợ học phí hay tiền điện..., huyện còn hỗ trợ sinh kế cho 34 hộ nghèo.
UBND huyện đã ban hành quyết định hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 đến các xã, thị trấn. Từ đây, các địa phương triển khai đến cộng đồng dân cư để lựa chọn và xây dựng dự án, kịp thời giúp hộ nghèo chăm lo sản xuất.
Huyện Sông Hinh xác định phải chủ động khơi dậy nội lực để tập trung giảm nghèo bền vững, địa phương chú trọng trang bị kiến thức, hỗ trợ sinh kế, cho vay tín dụng ưu đãi, hỗ trợ xây, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo… Công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm cũng được đẩy mạnh. Nhiều hộ nghèo mạnh dạn trong sản xuất, kinh doanh, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất và tích cực xây dựng mô hình nông nghiệp mới. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2024 giảm 418 hộ nghèo, còn 3,28%.
Trước đây gia đình ông Phùng Xuân Thời, ở thôn Hà Giang, xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh khó khăn, sau đó được Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn, triển khai mô hình trồng sắn phủ bạt để tạo sinh kế. Ông còn được tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác, trồng trọt…
Quyết tâm thoát nghèo được thúc đẩy, từ đó ông xây được nhà, chăm lo y tế, giáo dục... cho con cái. Hiện ông áp dụng mô hình trồng sắn phủ bạt, không tốn công chăm sóc, không lo úng thối, tiết kiệm nước tưới, năng suất tăng gấp đôi.
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Yên tích cực triển khai các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả, trong đó có Dự án hỗ trợ nuôi bò sinh sản.
Dự án được triển khai thí điểm tại các xã khó khăn của huyện miền núi Đồng Xuân từ năm 2022 đến nay. Đây là một trong những mô hình cụ thể hóa cho mục tiêu “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” với 37 hộ tham gia.
Để có thêm nhiều hộ nghèo có sinh kế giảm nghèo, dự án sẽ được nhân rộng. Dự kiến 500 hộ nghèo, cận nghèo tại 8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn được vay vốn để mở rộng chăn nuôi bò sinh sản, mỗi hộ 20 triệu đồng, tổng kinh phí thực hiện dự án là 10 tỷ đồng.
Gia đình ông Võ Đại Mộng (xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân) là một trong các hộ nghèo được hỗ trợ bò giống để chăn nuôi, phát triển sản xuất. Ông còn được tham gia các lớp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản. Hiện bò mẹ sinh bê. Ông Mộng nghĩ đến một ngày sẽ được thoát diện hộ nghèo.
Hiện trên toàn tỉnh Phú Yên có trên 110 dự án, mô hình giảm nghèo bền vững do Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp duy trì thực hiện. Nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả.
Tỉnh Phú Yên hiện còn 8.481 hộ nghèo, chiếm 3,22% số hộ; phấn đấu tỉ lệ hộ nghèo cuối năm 2024 giảm còn 2,37%, tương ứng giảm 2.235 hộ nghèo. Để triển khai hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, cụ thể là các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng (Dự án 3), Sở LĐ-TB&XH cho biết sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh và triển khai đồng bộ các giải pháp, khơi dậy ý chí tự vươn lên thoát nghèo của người dân.