Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tuyên bố phá sản là rất cần thiết

Hiện nay, tại Việt Nam có nhiều trường hợp để được Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, quyết định mở thủ tục phá sản và có quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản cũng không hề dễ dàng mà phải tốn khá nhiều thời gian, công sức do những khó khăn thực tế cũng như những vướng mắc bởi các quy định của pháp luật.

Theo số liệu từ Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai, hiện Đồng Nai có trên 45 nghìn doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 86% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của tỉnh Đồng Nai là phấn đấu đến năm 2025 sẽ xây dựng được 65,5 nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo việc làm cho trên 265 nghìn lao động. Năm 2021, Đồng Nai có 3.400 doanh nghiệp đăng ký mới. Tuy nhiên, cùng với việc hàng ngàn doanh nghiệp mới đăng ký kinh doanh thì mỗi năm cũng có hàng ngàn doanh nghiệp giải thể, tuyên bố phá sản.

anh man hinh 2024 03 23 luc 085156.png
 Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tuyên bố phá sản là rất cần thiết. 

Ngoài việc một số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vì lâm vào tình trạng khó khăn không thể tiếp tục hoạt động được thì một số doanh nghiệp do nợ nần kéo dài, không còn khả năng thanh toán nên phải thực hiện thủ tục yêu cầu tuyên bố phá sản hoặc bị yêu cầu tuyên bố phá sản theo luật để giải quyết tài sản và các khoản công nợ, nghĩa vụ thuế, tài chính với nhà nước theo quy định của pháp luật.

Theo báo cáo tổng kết hàng năm của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai trong 5 năm trở lại đây thì mỗi năm, Tòa án hai cấp của tỉnh Đồng Nai thụ lý, giải quyết trên dưới 10 vụ yêu cầu tuyên bố phá sản. Mặc dù số lượng doanh nghiệp yêu cầu tuyên bố sản không phải quá lớn. 

Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp để được Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Quyết định mở thủ tục phá sản và có quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản cũng không hề dễ dàng mà phải tốn khá nhiều thời gian, công sức do những khó khăn thực tế cũng như những vướng mắc bởi các quy định của pháp luật. Một số doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã khi lâm vào tình trạng nợ nần kéo dài không còn khả năng thanh toán thì hầu như các bộ máy hành chính nhân sự, kế toán, thủ quỹ… của doanh nghiệp không còn hoạt động hoặc rất khó liên hệ dẫn đến những người còn lại không nắm rõ sổ sách kế toán, công nợ, danh sách công nợ, địa chỉ hiện tại chủ nợ, con nợ, người lao động…thậm chí việc bảo quản tài sản còn lại cũng là vấn đề rất khó khăn. Do đó, ngoài việc can thiệp, tác động của Tòa án theo quy định của pháp luật thì việc hỗ trợ của các Luật sư, các tổ chức hành nghề Luật sư là rất cần thiết.

Một số kiến nghị hướng dẫn và hoàn thiện các quy định về Luật Phá sản

Theo Luật sư Nguyễn Thị Hồng Tiến (Đoàn Luật sư Đồng Nai), n ên có bổ sung quy định của Điều 38 Luật Phá sản: “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải thực hiện việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản” theo hướng: Trường hợp đặc biệt như chủ doanh nghiệp mất khả năng thanh toán có yêu cầu tuyên bố phá sản lâm vào tình cảnh bệnh hiểm nghèo, thiên tai hoặc rủi ro đến mức không còn khả năng nộp tạm ứng chi phí phá sản thì doanh nghiệp đó có thể làm đơn xin miễn nộp tạm ứng chi phí phá sản (chỉ nộp lệ phí phá sản) để Tòa án thụ lý.

Sau khi thụ lý, Thẩm phán tự mình hoặc theo yêu cầu của Quản tài viên quyết định việc bán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán sau khi mở thủ tục phá sản để bảo đảm chi phí phá sản.

Cần có hướng dẫn mỗi một vụ phá sản mở một tài khoản ngân hàng riêng và chủ tài khoản ngân hàng đó sẽ là Thẩm phán được giao giải quyết vụ phá sản đó. Việc mở tài khoản ngân hàng riêng sẽ đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng và dễ dàng trong vấn đề quản lý tài chính, đặc biệt đối với những vụ phá sản doanh và tạo điều kiện thuận lợi, hiệu quả, kịp thời trong việc giải quyết thủ tục phá sản.

Bên cạnh đó, hướng dẫn cụ thể về trường hợp như thế nào bị coi là “Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không khách quan trong khi thực hiện nhiệm vụ”.

Cần có hướng dẫn cụ thể trường hợp vừa là chủ nợ vừa là người có quyền lợi liên quan thì sẽ xác định tư cách của họ như thế nào và khi họ đã hết hợp đồng thuê trong thời gian chờ giải quyết thủ tục phá sản, họ có thể đi đòi tài sản đến vị trí khác mà không làm ảnh hưởng đến việc tiến hành thủ tục phá sản và giá trị tài sản của doanh nghiệp bị yêu cầu tuyên bố phá sản.

Mỹ Hoà và nhóm PV, BTV