Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang vừa ban hành Kế hoạch số 428/KH-UBND thực hiện "Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" trên địa bàn tỉnh. 

Theo đó, mục đích, yêu cầu của Kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; gắn với việc tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp, người dân và nâng cao chất lượng, hiệu quả của tổ chức pháp chế của các sở, ban, ngành tỉnh.

captureqqqqqssf.jpg
Tiền Giang: Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN phải có trọng tâm, thực chất.

Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 07/NQ-TU ngày 26/7/2021 của Tỉnh ủy về lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp quy định tại Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 05/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".

Xác định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nâng cao năng lực của các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Tỉnh Tiền Giang xác định, các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phải có trọng tâm, trọng điểm, thực chất, khả thi, từng bước chuyên nghiệp và mang tính bền vững; đảm bảo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và từng địa phương.

Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức đại diện doanh nghiệp; giữa Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ pháp lý trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; các cơ quan nhà nước phải luôn đồng hành với doanh nghiệp, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Để Đề án mang lại hiệu quả thiết thực, tỉnh sẽ đẩy mạnh rà soát các văn bản liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; từ đó kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới cho phù hợp nhằm đảm bảo doanh nghiệp được tiếp cận một hệ thống pháp luật minh bạch, hạn chế rủi ro pháp lý trong kinh doanh.

Nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, công chức pháp chế, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Bên cạnh đó là quan tâm bố trí đội ngũ cán bộ pháp chế có năng lực, trình độ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các cơ quan, đơn vị; tiếp tục nâng cao công tác tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng xử lý tình huống; cập nhật kịp thời các quy định pháp luật…, qua đó đáp ứng được yêu cầu tư vấn pháp luật của doanh nghiệp.

Tổ chức đối thoại gặp mặt giữa Ủy ban nhân dân tỉnh với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật liên quan tới doanh nghiệp.

Tăng cường xã hội hóa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; khuyến khích các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp, cá nhân tham gia hỗ trợ, triển khai đề án, chương trình, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Triển khai các hoạt động truyền thông phục vụ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (quảng bá các chương trình, sản phẩm, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh)

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ phối hợp với các bộ, ngành tổ chức lớp đào tạo và  bồi dưỡng cho tổ chức pháp chế và cán bộ pháp chế trong doanh. Đây là lực lượng có vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp nghiên cứu, tiếp cận thực hiện sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật; giúp lãnh đạo doanh nghiệp đàm phán, soạn thảo, ký kết hợp đồng kinh tế, thương mại, nhất là với đối tác nước ngoài, bảo đảm an toàn pháp lý và lợi ích kinh tế…

Hồ Nhụy và nhóm PV, BTV