Thực hiện đề án “Xây dựng mô hình sinh kế, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025”, năm 2022, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) huyện Quảng Ninh, Quảng Bình đã phối hợp với UBND xã Trường Xuân triển khai mô hình phát triển chăn nuôi lợn bản địa và gà kiến thả vườn tạo sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Có 17 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số của bản Khe Dây được hỗ trợ mô hình sinh kế, 8 hộ được hỗ trợ 24 con lợn giống (mỗi hộ 3 con), trọng lượng bình quân mỗi con từ 12-15kg và 9 hộ được hỗ trợ 900 con gà giống hơn 2 tuần tuổi (mỗi hộ được hỗ trợ 100 con.
“Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật và quy trình đã được tập huấn nên đàn gà, lợn của các hộ dân phát triển tốt. Đến nay, các hộ đã tái đàn vụ thứ 5, có hộ đã tái đàn vụ thứ 6; có 4 hộ chuyển sang nuôi lợn nái để chủ động về con giống... Thu nhập bình quân của các hộ dân tham gia mô hình sau khi trừ chi phí đạt từ 4-5 triệu đồng/lứa”, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Trường Xuân Trần Đại Nghĩa thông tin.
Trong khi đó, tại bản Hôi Rấy, xã Trường Sơn có 33 hộ đồng bào Bru-Vân Kiều sinh sống với 138 nhân khẩu. Bản nằm cách trung tâm xã khoảng 10km, giao thông cách trở nên đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm 76,47%.
Để giúp bà con có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, Ủy ban MTTQVN huyện Quảng Ninh đã hỗ trợ thực hiện mô hình sinh kế cho 10 hộ gia đình tại bản. Mỗi hộ được hỗ trợ 3 con lợn (9-10kg), 30% thức ăn, 30% thuốc thú y cho vụ nuôi đầu tiên. Để bảo đảm vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, Ủy ban MTTQVN huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đàn lợn.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Trường Sơn Trần Văn Thái, để mô hình sinh kế đạt hiệu quả cao, chính quyền địa phương và mặt trận xã thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa của mô hình thông qua các buổi họp dân, sinh hoạt các đoàn thể và kiểm tra trực tiếp tại các hộ gia đình.
Ngay sau khi bàn giao con giống, thức ăn, các hộ đã chuẩn bị chuồng trại đầy đủ, chăm sóc đàn lợn của mình theo hướng dẫn kỹ thuật và chú trọng công tác vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Ngoài thức ăn được hỗ trợ bà con đã tận dụng các sản phẩm sẵn có và trồng thêm rau, chuối để làm thức ăn cho lợn.
Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện, mô hình bước đầu mang lại hiệu quả cao. Các hộ dân đã duy trì và phát triển mô hình chăn nuôi, hiện nhiều hộ đã tái đàn vụ nuôi thứ 3, thứ 4. Đây là một trong những mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện thực tế của bà con. Đồng thời, góp phần làm “thay đổi nếp nghĩ, cách làm” của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế.
Để mô hình tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả và đạt được các mục tiêu đã đề ra, thời gian tới, Mặt trận các xã sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các hộ về mục đích, ý nghĩa của mô hình. Tăng cườngkiểm tra, giám sát, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ dân trong quá trình chăn nuôi.
Phối hợp, hỗ trợ các hộ dân trong phòng trừ dịch bệnh, đồng thời vận động các hộ tiếp tục tái đàn để duy trì, phát triển đàn lợn, gà nhằm tăng thu nhập, giúp người dân từng bước thoát nghèo bền vững.
Bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Quảng Ninh cho biết, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, mặt trận các cấp trong huyện đã phối hợp với các địa phương đa dạng hóa mô hình sinh kế phù hợp với đặc thù từng vùng giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn dần ổn định cuộc sống.
Bên cạnh việc giúp người nghèo có thêm cơ hội thoát nghèo, việc triển khai các mô hình sinh kế còn giúp thay đổi tư duy, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Hải Sâm