Đầu năm 2024, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) còn 314 hộ nghèo (chiếm 0,81% tổng số hộ dân) và 870 hộ cận nghèo (2,25%). Dự kiến tỷ lệ hộ nghèo ở huyện này giảm về còn 0,71% (275 hộ nghèo) vào cuối năm 2024, vượt mục tiêu đề ra.
Có được kết quả này, huyện Gò Công Đông xác định sự đầu tư hỗ trợ kinh phí từ Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và các chương trình, dự án, mô hình của Nhà nước, cộng đồng đóng góp phần lớn.
Theo đó, trong 3 năm (2022-2024), huyện được Trung ương phân bổ nguồn vốn hơn 10,7 tỷ đồng thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, riêng năm 2024, tổng nguồn vốn khoảng 6,21 tỷ đồng.
Nhờ nguồn vốn này, huyện Gò Công Đông thực hiện các dự án, tiểu dự án hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Theo đó, triển khai Dự án 2 đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo, huyện hỗ trợ người dân bằng các dự án nuôi dê sinh sản cho cộng đồng tại 11 xã với tổng nguồn vốn 2,67 tỷ đồng. Huyện cũng triển khai 5 dự án hỗ trợ sản xuất cộng đồng, với tổng kinh phí 800 triệu đồng trong năm 2023.
Chăm lo việc làm
Huyện xác định hỗ trợ việc làm là bệ đỡ an sinh xã hội, là nền tảng để hỗ trợ người dân tăng thu nhập, tăng mức độ tiếp cận các chiều dịch vụ xã hội cơ bản khác (như nhà ở, y tế, giáo dục, thông tin, nước sạch và vệ sinh). Thời gian qua, ngoài nguồn vốn để hỗ trợ sinh kế, tìm hướng việc làm để giúp giảm nghèo cho người dân, một trong những thành công nổi bật của huyện Gò Công Đông là giải ngân từ Quỹ quốc gia về việc làm.
Thực tế, 660 lao động được vay vốn với tổng số tiền trên 29 tỷ đồng, tạo ra việc làm cho 1.015 người lao động từ Quỹ Quốc gia về việc làm. Đặc biệt, huyện còn hỗ trợ 17 hộ nghèo, 61 hộ cận nghèo và 445 hộ mới thoát nghèo vay tổng cộng trên 23 tỷ đồng, qua đó tạo thêm 802 việc làm.
Nhờ việc tăng cường kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp, cung cấp thông tin việc làm cho người lao động, hơn 600 người lao động tại huyện Gò Công Đông đã tìm được việc làm phù hợp với nguyện vọng. Việc vận động người lao động tham gia xuất khẩu lao động cũng được đẩy mạnh. Từ đầu năm đến nay, huyện đã đưa được 36/37 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có 26 người sang Nhật Bản, 5 người sang Đài Loan và 5 người sang các quốc gia khác, đạt 97,3% chỉ tiêu.
Ngoài ra, nhằm thúc đẩy hoạt động giao dịch việc làm, huyện đã tổ chức ngày hội việc làm lần 2 cho hơn 500 người tham gia, góp phần quan trọng trong việc giải quyết nhu cầu việc làm cấp thiết, đặc biệt cho các thanh niên chuẩn bị tốt nghiệp, người lao động đang mất việc hoặc đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp phù hợp điều kiện người dân
Để phát triển giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững, huyện mở nhiều lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động, tập trung vào những đối tượng lao động thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Các lớp đào tạo này không chỉ tạo việc làm tại chỗ cho người dân, thêm cơ hội để người dân tự tạo sinh kế, tăng thu nhập, giảm nghèo mà còn đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.
Trong năm 2024, huyện đã tổ chức 18 lớp đào tạo nghề với 600 học viên lĩnh vực nông nghiệp (trồng nấm rơm, chăn nuôi gia cầm, sản xuất lúa giống và trồng cây kiểng) và phi nông nghiệp (như may công nghiệp, đan lưới). Đặc biệt, chương trình còn tạo điều kiện học nghề cho 12 hộ nghèo, 39 hộ cận nghèo và 53 hộ mới thoát nghèo, giúp họ có công việc ổn định và cải thiện cuộc sống.
Tại huyện Gò Công Đông, những năm gần đây, thay vì đốt rơm sau thu hoạch làm sản sinh ra khí nhà kính và gây ô nhiễm môi trường, việc tận dụng rơm rạ để trồng nấm rơm được nông dân quan tâm. Từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục nghề thường xuyên huyện phối hợp với Hội Nông dân một số xã, thị trấn tổ chức mở 7 lớp dạy nghề trồng nấm rơm.
Đơn cử tại xã Tân Phước, lớp trồng nấm rơm thu hút trên 30 học viên, đa số là hội viên phụ nữ, nông dân tham gia. Sau thời gian học lý thuyết, các học viên được cán bộ hỗ trợ trực tiếp về kỹ thuật, cách chọn phôi giống, cách ủ phôi và chăm sóc nấm, cách thu hoạch nấm; cách phòng và trị bệnh hại của nấm rơm thường mắc phải…
Theo kế hoạch, trong năm 2025, huyện dự kiến tổ chức thêm 11 lớp đào tạo sơ cấp dưới 3 tháng, với 335 học viên. Các ngành, nghề bao gồm trồng nấm rơm, chăn nuôi dê, may công nghiệp, kết cườm và nhiều ngành nghề phi nông nghiệp khác.