2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của tỉnh Hòa Bình. UBND tỉnh đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt 9% trở lên.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh xác định nội dung "cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng" là một nhiệm vụ, giải pháp quan trọng và cần thiết nhằm tạo ra động lực tăng trưởng mới, đưa Hòa Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên địa bàn đạt được những kết quả quan trọng.
Quy mô kinh tế của tỉnh được mở rộng, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt khá, cao hơn mức bình quân chung cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản. Chủ trương, định hướng phát triển kinh tế của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025 là "phát triển nông nghiệp là nền tảng, công nghiệp là đột phá, du lịch là mũi nhọn”. Tỉnh sẽ phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, yếu kém, từ đó đề ra giải pháp khắc phục hiệu quả.
Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Hòa Bình phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước; đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ và đến năm 2050, trở thành tỉnh phát triển của cả nước.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng, ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo từng cơ quan, đơn vị, địa phương sớm hoàn thiện chương trình, kế hoạch công tác cụ thể cho cả năm 2022 theo 4 đột phá chiến lược, 11 nhiệm vụ chủ yếu trong nhiệm kỳ.
Ngày 30/5/2022, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch hành động số 97/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch là xác định, phân công và tổ chức thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ chủ yếu của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 31/12/2021 về cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước.
UBND tỉnh cũng đã ban hành Đề án về cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tại Quyết định số 250/QĐ-UBND ngày 14/2/2022, Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 30/5/2022 thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Mục tiêu tổng quát là cơ cấu lại kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng cân đối giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, phấn đấu sau năm 2025 phát triển theo chiều sâu. Nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng vốn đầu tư. Đẩy mạnh phát triển các ngành, sản phẩm tận dụng các lợi thế của địa phương; các ngành, sản phẩm có đóng góp giá trị cao cho nền kinh tế và giá trị gia tăng cao, có hiệu quả và sức cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động. Gắn kết tăng trưởng nhanh với tiến bộ xã hội, bảo vệ và chống ô nhiễm môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu để hướng tới phát triển bền vững.
Để thực hiện mục tiêu trên, Kế hoạch tập trung vào 8 giải pháp gồm: Tập trung hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập. Phát triển các loại thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực; trong đó chú trọng phát triển thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ. Phát triển doanh nghiệp; thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Tăng cường liên kết vùng và phát huy vai trò của vùng động lực. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và tổ chức quản lý, thực hiện tốt các loại quy hoạch trên địa bàn. Tập trung đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cơ cấu lại kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ vào Kế hoạch hành động để xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiệu có hiệu quả Nghị định số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ và Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 31/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Quỳnh Nga