Xác định chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, khách quan, nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, là 1 trong 15 nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, phát triển dựa trên trụ cột khoa học công nghệ, bắt đầu việc chuyển đổi số bằng việc xây dựng, hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã có nhiều nỗ lực triển khai công tác này và đã đạt được những bước tiến dài.
Bắt đầu từ cuối năm 2021, các cuộc họp ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, họp ban Thường vụ tỉnh uỷ đều thực hiện theo hình thức phòng họp không giấy, thay vì mỗi cuộc họp các đại biểu được phát rất nhiều tài liệu bằng giấy như trước đây.
Tới nay, đã có 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 với 1.023 dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng dịch vụ công tỉnh; 287 dịch vụ công trực tuyến một phần trên Cổng dịch vụ công tỉnh; trên 90% tổng số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; trên 80% tổng số hồ sơ công việc tại cấp huyện và trên 60% tổng số hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.
Cùng với đó, Hòa Bình đã quyết định phê duyệt phương án đơn giản hóa 70 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở ngành. Đến nay, tỉnh Hòa Bình đã tích hợp, cung cấp 1.310/1.860 TTHC trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt 70,43%. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh tiếp nhận 131.794 hồ sơ TTHC. Theo đánh giá của Cổng Dịch vụ công quốc gia, điểm số hóa hồ sơ toàn tỉnh Hòa Bình đạt 13,6/22 điểm.
Cùng với đó, 100% cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh; trên 50% các hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
Đến thời điểm hiện tại tỉnh đã cấp được 6.203 chứng thư số, chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho tổ chức và cá nhân, trong đó: 1.029 chứng thư số cho tổ chức; 5.171 chữ ký số cho cá nhân thuộc các các cơ quan Đảng, nhà nước. 100% các cơ quan Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, xã đã sử dụng chữ ký số chuyên dùng của tổ chức và 100% lãnh đạo cơ quan, đơn vị sử dụng chữ ký số cá nhân để trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng. Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin luôn được quan tâm, coi trọng và đạt nhiều kết quả tích cực.
Đối với nhóm phục vụ phát triển công dân số, lực lượng Công an đã cấp căn cước công dân là 728.073/732.456 công dân từ đủ 14 tuổi đủ điều kiện, đạt 99,4%; xác thực và định danh điện tử 500.508 tài khoản, đạt 68%. Cơ quan chức năng đã cấp 1.500 chữ ký số từ xa cho người dân và doanh nghiệp để sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Công dân khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế bằng Căn cước công dân (CCCD) gắn chip tại 232/232 cơ sở y tế, đạt 100%. Thực hiện đồng bộ, xác thực dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư BHXH, BHYT, BHTN là 782.953/784.926 người, đạt 99,75%... Qua đó, người dân không phải xuất trình nhiều giấy tờ khi giao dịch, dữ liệu được đồng bộ, thông suốt, chính xác.
Không dừng ở đó, tỉnh Hòa Bình tiếp tục duy trì cập nhật, bổ sung, điều chỉnh thông tin công dân đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” từ các dữ liệu chuyên ngành trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Không dừng lại ở đó, tỉnh tiếp tục cài đặt các thiết bị công nghệ tiên tiến ứng dụng vào cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tạo thuận lợi trong quản lý nhà nước và giao dịch của người dân.
Những kết quả này là cơ sở để tỉnh Hoà Bình thực hiện khát vọng cải thiện vị thế trong Bảng xếp hạng đánh giá chỉ số Chuyển đổi số DTI trong năm tới, năm 2025.
Thanh Sơn