Những năm gần đây, tình trạng xung đột giữa giáo viên và học sinh trở thành vấn đề nhức nhối. Các vụ việc giáo viên xúc phạm học sinh hay học sinh hành hung, lăng mạ giáo viên đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường học đường.
Theo các chuyên gia, một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do những áp lực, căng thẳng trong môi trường học đường. Giáo viên phải đối mặt với áp lực công việc, quản lý lớp học để đảm bảo chất lượng giảng dạy và đáp ứng kỳ vọng từ xã hội, phụ huynh. Trong khi đó, học sinh cũng chịu sức ép từ bài vở, thi cử và các mối quan hệ khác. Điều này dễ làm nảy sinh các xung đột.
Ngoài ra, sự thiếu kiềm chế cảm xúc và kỹ năng giao tiếp của cả giáo viên lẫn học sinh cũng là nguyên nhân dẫn tới những sự việc không đáng có.
Chẳng hạn cuối tháng 11/2023, một cô giáo trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang bị học sinh quây kín vào góc tường, có hành vi thiếu tôn trọng lan truyền trên mạng xã hội. Các video ghi lại cho thấy nhóm học sinh đã bao vây giáo viên, vứt khăn lau bảng vào mặt, đạp vào bụng, đấm và ném đồ vào người cô giáo.
Kết quả, cô giáo phải gửi đơn “cầu cứu” lên hiệu trưởng, yêu cầu xác minh, xử lý. Điều tra của cơ quan chức năng chỉ ra xung đột giữa cô giáo và nhóm học sinh đã xuất hiện từ lâu. Trước đó, cô giáo này từng bị nhà trường cảnh cáo vì các phát ngôn không chuẩn mực khi giảng dạy.
Một vụ việc khác diễn ra vào cuối tháng 12/2023, một cô giáo tại Trường Tiểu học Thị trấn Vũng Liêm, Vĩnh Long, đã dùng thước đánh vào mông học sinh lớp 5 do em không làm được bài tập. Gia đình sau đó phát hiện vết bầm tím trên mông học sinh nên rất bức xúc, truy hỏi giáo viên. Cô giáo sau đó xin lỗi và thừa nhận hành vi do áp lực phải đảm bảo chất lượng học sinh và kỳ vọng từ phụ huynh. Phòng GD-ĐT sau đó cũng đề nghị kỷ luật cảnh cáo cô giáo vì vi phạm đạo đức nhà giáo.
Những xung đột này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường giáo dục, làm mất đi sự tôn nghiêm của nhà trường. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, để giải quyết tình trạng xung đột giữa giáo viên và học sinh, thầy cô giáo phải là người hiểu học sinh, nắm rõ quy luật phát triển tâm lý của trẻ để có những ứng xử và phương pháp giáo dục hợp lý.
“Trong quá trình trẻ khám phá và bộc lộ cái “tôi”, các em sẽ lúc hành xử đúng, có lúc sai. Nhiệm vụ của nhà giáo ở đây là phải dùng năng lực sư phạm để hướng học sinh đến cái đúng. Thầy giáo không phải “tay anh chị” mà dùng nắm đấm để giải quyết công việc”, ông nói.
Còn theo PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, để giải quyết tình trạng xung đột giữa giáo viên và học sinh, cần phải thực hiện một chuỗi các biện pháp đồng bộ từ nhiều phía.
Đầu tiên, việc giáo dục kỹ năng xử lý xung đột là một trong những giải pháp quan trọng nhất. PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng cả giáo viên lẫn học sinh đều cần được trang bị những kỹ năng giao tiếp hiệu quả, quản lý cảm xúc để có thể đối mặt với những tình huống căng thẳng một cách tinh tế, từ đó giảm thiểu nguy cơ xảy ra bạo lực.
Ngoài ra, việc tăng cường hỗ trợ tâm lý là điều không thể thiếu trong môi trường giáo dục. Các trường học cần có đội ngũ tư vấn tâm lý chuyên nghiệp để hỗ trợ giáo viên và học sinh trong việc giải quyết các căng thẳng trong quá trình giảng dạy, tạo ra một môi trường học tập an toàn, đặt sự thấu hiểu lên hàng đầu.
Một yếu tố quan trọng khác là xây dựng mối quan hệ tôn trọng giữa giáo viên và học sinh. Giáo viên nên thay đổi quan điểm, tôn trọng sự đóng góp và ý kiến của học sinh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tham gia vào hoạt động học tập và quản lý lớp học. Ngược lại, học sinh cũng cần được giáo dục về truyền thống tôn sư trọng đạo.
Việc áp dụng các biện pháp kỷ luật một cách công bằng và hợp lý cũng là một điều cần thiết để duy trì trật tự trong môi trường học đường. Các biện pháp này không chỉ nhằm mục đích trừng phạt, mà còn giúp học sinh nhận ra sai lầm, sửa đổi hành vi của mình theo hướng tích cực.
Bên cạnh đó, việc hợp tác chặt chẽ với phụ huynh là một yếu tố không thể thiếu để giám sát và hỗ trợ hành vi của học sinh. Các trường học cần thiết lập một cơ chế thông tin liên tục, hiệu quả để thông báo về các vấn đề của học sinh và cùng phối hợp tìm giải pháp phù hợp. Phụ huynh cũng cần được hướng dẫn về cách giáo dục con cái để có thể hiểu và áp dụng các phương pháp giáo dục tích cực trong gia đình.