Bạo lực học đường luôn là vấn đề nhức nhối trong các trường học hiện nay. Để nắm bắt kịp thời và hóa giải những nguy cơ xung đột, cô giáo Trần Hải Hà, giáo viên THPT tại Ninh Bình, đã tận dụng mạng xã hội để giúp học sinh bày tỏ tâm tư mà không lo bị phán xét hay trả thù.
Thấu hiểu tâm lý của những học sinh thường xuyên bị bắt nạt, cô giáo trẻ đã tạo ra một trang confession trên mạng xã hội, cho phép học sinh gửi tin nhắn và đăng tải các bài viết giấu tên. Đây là nơi các em có thể chia sẻ những bức xúc, lo lắng và đưa ra lời cầu cứu an toàn.
“Tôi muốn rằng học sinh cảm thấy có một nơi cảm thấy an toàn và được lắng nghe. Thực tế, nhiều học sinh còn e ngại nên không trực tiếp chia sẻ các vướng mắc với thầy cô hoặc lo sợ bị “trả thù”. Vì thế bằng phương thức này, tôi có thể đọc, phản hồi các tin nhắn, đưa ra lời khuyên và hỗ trợ các em khi cần thiết”, cô Hà nói.
Theo cô giáo trẻ, có những học sinh chia sẻ với cô về việc bị bạn bè cô lập hay trêu chọc. Đôi khi, có những em còn kể về những mâu thuẫn, cãi nhau với các bạn trong lớp... Nhờ đó, nhiều vấn đề đã được phát hiện và giải quyết kịp thời trước khi trở nên nghiêm trọng.
“Với cách làm này, không chỉ học sinh cảm thấy an tâm mà thầy cô, nhà trường cũng kịp thời ngăn chặn các vụ việc có nguy cơ dẫn đến bạo lực học đường”.
Trong khi đó, cô giáo Mai Loan (Hà Nội) lại sử dụng mạng xã hội như “cầu nối” để gắn kết hơn với học trò. Bằng việc kết bạn, thường xuyên tương tác bằng những ngôn từ hợp “tuổi teen”, cô giáo 48 tuổi có thể làm bạn với học trò, nắm bắt tâm tư, tình cảm và cả những mối quan hệ phức tạp giữa các em.
Nhờ việc thường xuyên tương tác với học trò, có lần, cô Loan phát hiện một số học sinh bình luận dưới bài đăng bằng lời lẽ hung hăng, thách thức. Cho rằng điều này có thể dẫn đến hệ quả, trong đó có bắt nạt học đường, cô đã bình luận phía dưới bài viết, đồng thời nhắn tin riêng để đưa ra những lời khuyên chân thành và hướng dẫn các em cách hóa giải xung đột trong hòa bình. Nhờ sự can thiệp kịp thời, các em sau đó đã xóa bình luận trước khi vụ việc trở nên nghiêm trọng.
“Việc kết nối với học sinh qua mạng xã hội giúp tôi thấu hiểu các em hơn và có thể can thiệp kịp thời khi thấy có những dấu hiệu bất thường. Tôi cho rằng điều quan trọng là giúp các em nhận ra hậu quả trong hành động của mình và biết cách giải quyết mâu thuẫn”, cô Mai Loan nói.
Dẫu vậy, cũng có không ít vụ bạo lực học đường đã diễn ra từ lâu trước khi bị phát hiện. Do đó, sự sát sao của giáo viên và nhà trường trong từng biểu hiện của học sinh là điều rất quan trọng. Nhà trường cần có hệ thống giám sát chặt chẽ, liên tục cập nhật thông tin từ học sinh và phụ huynh để phát hiện sớm những dấu hiệu của bạo lực.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, để giải quyết kịp thời những xung đột trong nhà trường, giáo viên chủ nhiệm có vai trò rất quan trọng. Giáo viên phải có năng lực quan sát, vận dụng khoa học tâm lý để chia sẻ, lắng nghe, chinh phục học trò và trở thành một người tin cậy để các em học sinh tin tưởng tâm sự, nhờ đó kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp xảy ra nếu có mâu thuẫn giữa các em học sinh.
Ngoài ra, nhà trường nên đưa ra những quy định xử lý kỷ luật tích cực, lựa chọn các hình thức giáo dục, xử phạt học sinh phù hợp, để học sinh nhận ra, ứng xử đúng đắn khi gặp tình huống tương tự.
Cũng theo ông Lâm, ngăn chặn bạo lực học đường không chỉ là trách nhiệm của giáo viên mà còn cần sự tham gia tích cực từ phụ huynh. Phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát, duy trì giao tiếp thường xuyên với con cái về các vấn đề liên quan đến bạo lực học đường.
Cha mẹ nên khuyến khích con cái chia sẻ những lo lắng và khó khăn mà chúng gặp phải, đồng thời giáo dục con về hậu quả của bạo lực và cách giải quyết mâu thuẫn. Phụ huynh cũng nên hợp tác chặt chẽ với nhà trường để phát hiện và giải quyết kịp thời những dấu hiệu bạo lực. Việc tham gia các buổi họp phụ huynh, trao đổi thường xuyên với giáo viên và theo dõi hoạt động của con trên mạng xã hội cũng là những bước quan trọng để đảm bảo an toàn cho con em mình.