Tôi được biết, từ đầu năm đến nay có khoảng 20 cuộc thi Hoa hậu, vị chi bình quân 20 ngày có một cuộc thi. Con số này chưa tính đến các cuộc thi sắc đẹp do cấp tỉnh tổ chức. Từ tháng 7 đến cuối năm 2022, nghe đâu còn hơn 10 cuộc thi Hoa hậu sắp trình làng. Nếu như thế, năm 2022, nước ta có khoảng 30 Hoa hậu, 60 Á hậu (1, 2), hàng trăm người đẹp được trao giải phụ. Bội thu người đẹp kiểu này thì trong 1, 2 năm tới đây, Việt Nam cứ ra ngõ là gặp ... Hoa hậu!?

Tôn vinh sắc đẹp của nữ giới, trong cuộc thi và sau mỗi cuộc thi, các chuyến công tác của Hoa hậu làm việc có ích cho cộng đồng, như, hoạt động bảo vệ môi trường, thiện nguyện, chống biến đổi khí hậu,.... Là người của công chúng, Hoa hậu, Á hậu tác động mạnh mẽ đến thay đổi nhận thức, xây dựng thói quen tốt, từng bước góp phần hoàn thiện giá trị chân - thiện - mỹ cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn! Đó là chân lý, chứ ai đời lại chấp nhận thí sinh, hoa hậu diện trang phục ngắn cũn cỡn khoe thân với… bàn dân thiên hạ!?

Để đến với cuộc thi sắc đẹp, ngoài sự ban tặng của tạo hóa, người dự thi phải khổ luyện, “dùi mài kinh sử” mới mong được gọi tên trong đêm chung kết. Ban tổ chức cuộc thi lăn lộn mọi khâu, chi ly tác nghiệp, xử lý nhiều vấn đề phức tạp để cuộc thi đạt mục đích đề ra. Thời 4.0, đôi khi chỉ sơ suất nhỏ có thể tạo “big scandal” khiến cuộc thi nhận “gạch đá” của công chúng. Nổi tiếng đâu chưa thấy chứ tai tiếng thì dễ dính lắm. Và, nếu điều đó xảy ra thì mất cả vốn lẫn lời!

Là nhà giáo, tôi “vận dụng”, hay là nâng cấp cuộc thi nữ sinh thanh lịch, gắn mác thành kỳ thi hoa hậu - thêm khoản thu cho nhà trường mà không bị mang tiếng lạm thu? Đến đây, chắc đồng nghiệp của tôi nhảy như ... “tôm càng xanh” (do bệnh nghề nghiệp, tôi mượn ví von của một thầy hiệu trưởng khi nói về học bạ được “làm đẹp”). Xin nói ngay để quý vị yên lòng, chỉ là chuyện tếu táo mà thôi! Nhắc lại câu chuyện đang làm nóng dư luận, điểm chuẩn đại học theo phương thức xét học bạ cao ngất ngưỡng. Nguyên nhân được cho là do học bạ được “làm đẹp”. Tuy chưa thể khẳng định, nhưng đâu đó đã có quy kết do “bệnh thành tích”, dối gian trong dạy và học. Đến lĩnh vực giáo dục mà loạn việc “làm đẹp” học bạ thì xã hội âu lo và dự báo hệ lụy khôn lường. Vậy loạn cuộc thi Hoa hậu, bên cạnh những mặt được thì mất mát là gì? Tiềm ẩn những nguy cơ, hệ lụy thế nào?

Những người đẹp đăng quang Hoa hậu và Á hậu từ các cuộc thi tổ chức trong năm 2022. 

Trước hết, Hoa hậu chỉ nên in ít thôi mới giá trị; họ thực sự tiêu biểu cho vẻ nết na, thùy mỵ, duyên dáng, học thức, nhạy bén, ..., của phụ nữ Việt Nam. Họ - tác nhân - nuôi dưỡng niềm tự hào phụ nữ nước Việt, xa hơn là con người, đất nước. Điều cao cả ấy không vì bất cứ lý do gì làm biến tướng, bị lợi dụng vì “lợi ích nhóm” mà loạn cuộc thi sắc đẹp có thể gây ra. Hiệu ứng domino, còn kéo theo những hậu quả khác, trên những lĩnh vực khác, sự xâm thực văn hóa. Điều đó đã xảy ra, do cạnh tranh, có đơn vị được cấp phép tổ chức thi Hoa hậu tung chiêu tiếp thị không thể chấp nhận khi đưa thí sinh diện… bikini diễu hành!! 

Dù hội nhập, nhưng bản sắc - nói riêng với vẻ đẹp phụ nữ - có những nét khác biệt so với phía trời Tây. Xét ở góc độ tổ chức cuộc thi Hoa hậu, tất nhiên có bị chi phối trong “thị trường bán mua”, song, hoàn toàn không thể để “dòng chảy” Hoa hậu trở thành lĩnh vực kinh doanh, xem Hoa hậu như một ngành công nghiệp. Với bạn đọc VietNamNet thì sao, chứ cá nhân tôi rất băn khoăn!

Như một quy luật ở không ít lĩnh vực và áp dụng cho cuộc thi Hoa hậu: “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Suy rộng ra, càng ít cuộc thi Hoa hậu, từ trên số lượng người đăng ký (qua sơ tuyển) sẽ chọn ra nhiều thí sinh tiêu biểu; từ đó, tiếp tục sàng lọc, để cuối cùng, ánh sáng chói lòa từ vương miện Hoa hậu - nét kiêu sa vốn có, sự hãnh diện thêm thăng hoa, sự trầm trồ lan tỏa và thấm sâu trong mỗi người, hâm mộ cả vẻ đẹp bên ngoài và phẩm hạnh bên trong mỗi Hoa hậu. Tất cả làm đẹp thêm cuộc sống, nhưng quan trọng hơn, đó còn là chất liệu góp xây xã hội an vui. Điều này, liệu ta còn lại gì khi, cứ 20 ngày có một cuộc thi Hoa hậu? Sự dễ dãi của một bộ phận công chúng có bị ban tổ chức các cuộc thi Hoa hậu khai thác để không ngoài mục tiêu: Tiền?

Do loạn cuộc thi Hoa hậu lại tổ chức chồng chéo nên có thí sinh chạy sô thi Hoa hậu. Hệ lụy không đơn giản, khi thiếu thời gian đầu tư thì sản phẩm có lỗi là tất yếu! Rất tiếc, trong số đó có người được vinh danh sau cuộc thi Hoa hậu, cộng với “lăng xê” của người trong cuộc và liên quan. Những cú nhấp chuột ảo - hành động thật rồi công chúng, nhất là giới trẻ - khi không đủ vắc - xin phòng ngừa - họ đi đâu, về đâu? Những hội chứng nguy hại, hậu quả thật sự nguy hiểm!

Diễu hành của dàn thí sinh Miss World Vietnam 2022 trên đường phố Quy Nhơn gây ra nhiều tranh cãi.

Vì thế thí sinh có người lao vào cuộc thi mà không nghĩ suy, có một phần lỗi, nhưng ban tổ chức cuộc thi, với trò “diện trang phục cũn cỡn khoe thân” rong phố và tương tự phải chịu trách nhiệm theo quy định hiện hành. Đáng trách không kém là các giám khảo cuộc thi Hoa hậu. Họ thường được lựa chọn từ những người am hiểu chuyên môn, có uy tín trên lĩnh vực nghệ thuật nói chung, trong số đó có cả những người thành danh trên lĩnh vực sắc đẹp. Các vị giám khảo này vừa là nạn nhân và cũng chính là thủ phạm. Làm sao chấn chỉnh, trước hết, tự trọng của mỗi người, trách nhiệm với công chúng, giữ gìn danh dự cá nhân, để quyết định nhận lời hợp tác hay không? “Dễ dãi” trong trường hợp này đáng trách biết bao.

Việc quản lý của ngành chức năng trong việc tổ chức các cuộc thi Hoa hậu cần phải được đặt ra, với yêu cầu, siết chặt kỷ cương, tinh lọc nội dung, chặt chẽ quy mô, liệu tính số lượng, ích nước - lợi nhà. Chứ không thể cấp giấy phép xong là xong! Tôi nghĩ, sự buông lỏng do” sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”,  có không??

Trong bối cảnh hiện nay, cần xây dựng bộ tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số cho các cuộc thi Hoa hậu. Cùng với đó là giám sát, kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước và kết hợp vai trò tai mắt của các đoàn thể địa phương, nhân dân để sớm trả cuộc thi Hoa hậu về đúng mục đích.

Đại biểu Quốc hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, khi trả lời với Tuổi Trẻ, có nói: “Đa phần các cuộc thi sắc đẹp khá vô bổ”, có thể xem là một cảnh báo S.O.S! Mong các ngành, các cấp sớm vào cuộc.