Anh chia sẻ chọn tranh sơn mài bởi mang đậm dấu ấn, bản sắc văn hóa Việt. Họa sĩ 9X muốn được góp phần giới thiệu, phát triển dòng tranh này nhiều hơn nữa đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
- Để hoàn thành một bức tranh sơn mài là điều gian khó, không phải họa sĩ trẻ nào cũng dám đối mặt, chưa kể tới việc chuyên tâm theo đuổi, động lực nào giúp anh vượt qua?
Tôi sinh ra và lớn lên ở tỉnh miền núi Tuyên Quang, trong gia đình không ai làm nghệ thuật, từ nhỏ tôi rất thích vẽ. Mãi tới năm lớp 7, tôi mới được học vẽ ở cung văn hóa thiếu nhi của tỉnh. 6 năm ròng, ngày nào cũng đạp xe hơn 10km để đi học.
Tốt nghiệp phổ thông trung học, do chưa tự tin nên tôi chỉ dám thi Cao đẳng Sư phạm nhạc họa Trung ương. Học Cao đẳng, tôi ôn luyện thêm rồi đỗ Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Lúc đầu, tôi vẽ trên nhiều chất liệu nhưng cuối cùng chọn sơn mài. Để vẽ sơn mài cần có độ tĩnh nhất định. Tranh sơn mài tạo ra hiệu ứng và cảm xúc bề mặt mà các chất liệu khác không có được.
Để hoàn thành một tác phẩm sơn mài, người họa sĩ phải trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp, từ phác thảo bố cục tranh, vẽ trên vóc, mài, đánh bóng. Khâu cuối cùng - mài tranh, đòi hỏi hết sức tỉ mỉ, cẩn trọng.
Nếu mài non tay, màu sắc của bức tranh không được như mong muốn, không mang lại vẻ đẹp của tác phẩm. Nhưng mài quá tay, thủng vóc, lại phải vá, rất khó và tốn kém.
Hầu hết các họa sĩ vẽ sơn mài thừa nhận rằng, kỹ thuật vẽ sơn mài khó và có tính ngẫu nhiên, ngay cả người dày dặn kinh nghiệm, nhiều khi cũng bị bất ngờ trước hiệu quả đạt được sau khi mài tranh.
Tôi đặc biệt thích màu vàng trong sơn mài. Cảm giác hồi hộp, chờ đợi khám phá xen lẫn tò mò trong quá trình mài để lộ dần những lớp màu sắc ẩn đằng sau nó rất thú vị.
Vậy nên, biết theo dòng tranh này sẽ rất khổ, khó nhưng tôi vẫn quyết bám trụ.
- Chủ đề tác phẩm của anh thường theo trường phái nào?
Hơn chục năm miệt mài cầm cọ, số tranh tôi vẽ lên đến hàng nghìn bức. Tôi đang tập trung vào thực hiện seri các tác phẩm sơn mài theo dòng tâm thức - thể hiện những hồi ức, suy tưởng từ quá khứ.
Tôi vẽ lại những gì trong suy nghĩ, tâm tưởng, hồi ức về tuổi thơ, quê hương, cuộc sống hoặc những nơi từng đến. Đó có thể là hình ảnh buổi trưa hè trốn ngủ đi chơi, ký ức về mảnh rừng nắng vàng ruộm...
-Anh gặp khó khăn gì khi theo đuổi tranh sơn mài?
Đó là kinh tế, tranh sơn mài thực hiện đã khó, chi phí lại cao. Để vẽ một bức tranh khổ 40x60cm, tôi phải dùng mất nửa quỳ vàng (tương đương nửa chỉ vàng). Nếu vẽ tranh khổ to hơn, phải dùng ít nhất 1 quỳ, chưa tính các họa cụ khác như vóc, màu...
Ngoài việc tốn kém, tranh sơn mài đòi hỏi người họa sĩ phải tỉ mỉ, dày kinh nghiệm. Nhiều người trẻ không trụ được, thường chuyển hướng sang thể loại khác.
Như tôi, cũng phải làm nghề khác để kiếm sống, hội họa là “sân chơi” để thỏa mãn đam mê, giới thiệu nét đẹp của tranh sơn mài, lưu giữ nét văn hoá đẹp đẽ mà thôi.
- Là anh chấp nhận "chép tranh" để nuôi đam mê, như nhiều họa sĩ trẻ khác hiện tại?
Tôi không chạy theo thị hiếu hay tìm kiếm sự dễ dãi. Tôi nói “không” với việc “nhái” phong cách, nhái tác phẩm.
Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ 4.0, AI, người ta có thể tạo ra những bức tranh sống động theo chất của sơn dầu, màu nước nhưng sơn mài là chất liệu không thể làm giả. Chính họa sĩ cũng không thể vẽ lại bức thứ hai giống hệt thế.
- Kỳ công và độc nhất vô nhị như vậy nên giá dòng tranh này rất đắt đỏ, nhưng không phải ai cũng bán được tranh?
Đúng vậy, nhưng dòng tranh này là niềm tự hào của người Việt. Người nghệ sĩ chinh phục được nó, cũng tự hào không kém.
Để vinh danh nghệ thuật sơn mài, Bộ VHTT&DL đã phê duyệt đề án Xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia Nghệ thuật sơn mài Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030. Tôi nghĩ mình cứ theo đuổi đam mê, sẽ có ngày được đền đáp xứng đáng.