Năm nay, tròn 100 năm đồ án Hébrard (1923 -2023)Quy hoạch Đà Lạt - thành phố vườn đầu tiên trên thế giới. 

Trong ký ức của KTS Ngô Viết Nam Sơn, sau khi du học Pháp về, một trông những nơi đầu tiên cha ông- KTS Ngô Viết Thụ quay lại để giúp xây dựng chính là Đà Lạt. Cha ông nói: "Đà Lạt là một trong những nơi rất khó làm quy hoạch, vì giá trị cốt lõi của thành phố không phải công trình, mà là thiên nhiên". 

dalat.png
Một góc Đà Lạt

Một thành phố khang trang và hài hòa

Năm 1897, bác sĩ Alexandre Yersin đã gợi ý cho toàn quyền Đông Dương Paul Doumer chọn cao nguyên Lâm Viên làm vùng đất lí tưởng cho việc nghỉ dưỡng của người Pháp ở miền Trung. 

Kể từ đó, thành phố Đà Lạt bắt đầu được xây dựng theo phong cách kiến trúc của châu Âu, vẫn luôn được ưu ái gọi với cái tên "tiểu Paris" - nổi tiếng về du lịch và nghỉ dưỡng.

Năm 1919, O’Neill đã đề xuất một đồ án mới có tên gọi “Thành phố Đà Lạt - Bản sơ đồ chu vi đô thị với những chỉ dẫn về khu đất nhượng” hướng đến sự cân bằng lại về lãnh thổ nghiêng về khối dân sự. O’Neill dự kiến xây dựng Đà Lạt thành một thành phố vui chơi, giải trí.

KTS Hébrard lập đồ án cho Đà Lạt đồng thời với đồ án của các thành phố: Hà Nội, Sài Gòn, Chợ Lớn, Hải Phòng và PnômPênh. Đến năm 1923, ông hoàn tất, đồ án được Toàn quyền phê duyệt và ban hành áp dụng vào tháng 8/1923, theo đó Đà Lạt sẽ là một thành phố nghỉ mát trên cao kiểu mẫu; thành phố được thiết kế theo quan điểm của các nguyên tắc về: “Quy hoạch thành phố vườn”. Lần đầu tiên các vấn đề phức tạp của đô thị Đà Lạt đã được nghiên cứu một cách tổng hợp và nhiều giải pháp có ý nghĩa định hướng phát triển thành phố đã được đề xuất.

Không những cảnh quan đã được chọn lựa tinh vi giữa rừng thông, đỉnh núi Lang Biang hùng vĩ, kiến trúc sư còn tô điểm thêm bằng cách xây dựng một hồ nước nhân tạo do chặn dòng suối Cam Ly, nhấn mạnh sự tuyệt mỹ của địa điểm và tạo một hậu cảnh để thành phố phát triển.

Đà Lạt khi xưa vốn là những rừng thông nguyên vẹn, những thác nước hoang sơ. Những ngôi biệt thự xinh đẹp nằm giữa vườn hoa và thảm cỏ xanh. Những con đường rộng, tráng nhựa và thông thoáng. Sân thể thao. Một mạng lưới đường mòn du lịch giúp cho du khách đi bộ trong rừng. Và, một vùng đệm rộng lớn đóng vai trò bảo vệ động vật hoang dã. 

Hơn 100 năm đã trôi qua, không khó để nhận thấy kiến trúc Đà Lạt giờ đây khác xưa rất nhiều, tuy nhiên, đây đó thấp thoáng, vẫn còn những dấu tích kiến trúc của một thời xa vắng:

Dinh Tổng thống (Dinh Bourgery) được xây cất từ những năm trước 1940. Dinh được thiết kế theo lối kiến trúc vùng Savoie của nước Pháp, mang dáng dấp sang trọng như một lâu đài. Toàn bộ tòa nhà được xây dựng trên một đỉnh đồi khá bằng phẳng trong một khuôn viên cây xanh đẹp hài hòa với các công trình phụ khác như: nhà bồi, hầm rượu và hồ nước,... để tổ chức tiệc tùng, vui chơi. 

Cũng như các dinh thự lớn khác, Dinh Tổng thống có tầng hầm rất rộng và có nhiều lối thoát hiểm cùng với đường hầm thông ra ngoài. Dinh nằm ở vị trí gần với trục đường Hùng Vương đi Trại Mát, thuộc địa phận phường 11, thành phố Đà Lạt.

Dinh Toàn quyền Decoux nằm ở khu vực đầu đường Trần Hưng Đạo, trên một ngọn đồi cao hướng về hồ Xuân Hương - nơi trung tâm thành phố.

Dinh được các kiến trúc sư người Pháp là A.Léonard, P.Veyssere và A.T.Kruze thiết kế, do nhà thầu Sa Đéc xây dựng và hoàn tất năm 1937.

Dinh có dáng dấp của một kiến trúc được kết hợp hài hòa giữa các yếu tố cổ điển và hiện đại. Với mục đích vừa là nơi ở, làm việc vừa là nơi tiếp khách, do đó các phòng lớn ở tầng trệt được bố trí quanh một đại sảnh và tạo thành tổng thể rộng với không gian thoáng đãng sang trọng nhưng không phá đi bầu không khí ấm cúng bên trong của tòa nhà. Dinh vừa có cửa ra vào ở tầng dưới lại có cửa thoát ra ngoài riêng biệt ở tầng trên.

Ngoài ra còn có một đường hầm ở tầng nền để chủ nhân có thể thoát ra ngoài khuôn viên của tòa nhà khi trường hợp khẩn cấp. Đó cũng là đặc điểm chung của các dinh thự, đặc biệt là khi chủ nhân là các viên quan cai trị thì luôn đề phòng sự nổi dậy của dân bản xứ. 

Dinh Bảo Đại nằm trên một ngọn đồi cao thuộc khu rừng Ái Ân, cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 2km về hướng Tây Nam.

Dinh được khởi công xây dựng vào năm 1939 và hoàn tất vào năm 1943. Theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, người đã từng tốt nghiệp thủ khoa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và là một kiến trúc sư cung đình làm việc ở Bộ công của triều đình Huế.

Theo ý tưởng của kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh lúc bấy giờ thì đây phải là “một công trình kiến trúc bề thế, hiện đại, độc đáo (không giống với bất kỳ biệt thự nào trước đó) hài hòa với không gian kiến trúc, tương xứng với vị thế của chủ nhân, kết hợp thật nhuần nhuyễn giữa kiến trúc Á - Âu, Việt - Pháp, phù hợp với khí hậu nơi đây, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, hòa đồng với cảnh sắc thiên nhiên hoa lá, chim muông, không khí ngát hương của mùa xuân và mùa thu; nội thất tiện nghi, lộng lẫy, sang trọng mà không cầu kỳ, nghiêm cẩn mà ấm cúng”.

Tòa nhà gồm có hai tầng mang dáng dấp kiến trúc dinh thự kiểu châu Âu được bố trí trong một khuôn viên thoáng đẹp với sự sắp đặt hài hòa, khéo léo cũng như tạo dáng cho các bồn hoa trong không gian phía trước tiền sảnh và sân dạo phía sau đã làm toát lên vẻ sang trọng uy nghi của một biệt điện - nơi ở của bậc vương giả.

Toàn bộ tòa nhà từ ngoài vào trong đều được quét ve màu vàng rất trang nhã, sắp xếp bài trí hài hòa, tuy có sự hiện đại, thông thoáng của phương Tây nhưng vẫn giữ được nét không gian thuần Việt.

Dinh Thị trưởng được xây dựng trên một ngọn đồi cao nhất thành phố, phía sau khu trung tâm Hòa Bình, ở cuối đường Lý Tự Trọng.

Dinh được thiết kế theo lối kiến trúc cổ điển của các dinh thự Âu châu. Dinh được xây theo khối hình vuông. Dinh có hai tầng phía trên và một tầng trệt dùng làm hầm rượu. Mặt tiền có bố trí cầu thang cả hai bên để lên tầng 1 và tầng 2. Mặt sau có mái che và lối lên cho xe ô tô. Ở đây có lối lên rộng, thoáng với nhiều bậc cấp dẫn tới tầng một - vừa là nơi ở, nơi làm việc của thị trưởng. Phía sau dinh có hai dãy nhà phụ dành làm nơi ở cho người giúp việc và người hầu. Cạnh các nhà phụ là hai hồ chứa nước lọc để cung cấp cho vùng trung tâm thành phố.

Trải qua thời gian dài hàng thập niên cùng với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, những dinh thự này ngày nay vẫn còn giữ nguyên được hình dáng kiến trúc với vẻ đẹp cổ kính.

"Đà Lạt với tôi là nơi rất đẹp, mộng mơ, người dân thân thiện. Nhưng càng về sau này, tôi cảm thấy buồn vì Đà Lạt mất dần đi những thứ đó. Mà sự mất mát là bởi con người", KTS Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ.

Lương Bằng và nhóm PV, BTV