Màn hình Galaxy Fold bị hỏng. Ảnh: Bloomberg |
Ngày 23/4, Samsung tuyên bố hoãn phát hành Galaxy Fold, mẫu smartphone màn hình gập đầu tiên của hãng. Theo lịch trình trước đây, thiết bị chính thức bán ra từ ngày 26/4 tại Mỹ. Tuy nhiên, thứ tưởng như là đỉnh cao công nghệ, thành quả của 8 năm nghiên cứu, giúp Samsung củng cố vị trí trên thị trường di động lại có nguy cơ trở thành sản phẩm thất bại thứ hai sau Galaxy Note 7.
Samsung đang phải điều tra nguyên nhân khiến chiếc điện thoại giá gần 2.000 USD phát sinh lỗi hỏng màn hình chỉ sau 1-2 ngày sử dụng. Công ty Hàn Quốc có thể tránh được “thảm họa” của Note 7 năm 2016 khi mà smartphone đã đến tay khách hàng. Song sự việc xảy ra với Fold cho thấy hãng đã vội vàng với các công nghệ mới nhằm thỏa mãn mục tiêu doanh nghiệp bất chấp các rủi ro về kỹ thuật. Theo Bloomberg, thậm chí trong nội bộ Samsung, nhân viên cũng phải tự hỏi vì sao họ lại nhanh chóng đón nhận thất bại như vậy.
Bryan Ma, Phó Chủ tịch nghiên cứu thiết bị tại hãng nghiên cứu thị trường IDC, cho rằng trong quá trình phát triển và kiểm định, họ có thể phát hiện nhiều lỗi nhưng vẫn quyết định đưa ra thị trường. Rõ ràng họ không thể lặp lại sự cố bẽ mặt như Note 7 nếu không muốn mang tiếng chỉ toàn giới thiệu sản phẩm không đáng tin cậy.
Note 7 bị thu hồi trên toàn cầu, khiến Samsung tổn thất hàng tỷ USD và ảnh hưởng đến danh tiếng khi đang phải chiến đấu với Apple trên phân khúc cao cấp. Hoãn phát hành Fold sẽ cho Samsung cơ hội xử lý các vấn đề tiềm tàng khi đang trong cuộc đua với Huawei hay Xiaomi.
Kể từ Note 7, Samsung đã quay trở lại ấn tượng và vẫn là nhà sản xuất smartphone kiêm chip nhớ lớn nhất thế giới. Họ muốn dựa vào thiết bị màn hình gập để nới rộng khoảng cách dẫn đầu và thúc đẩy một thị trường di động đang trì trệ. Fold được giới thiệu cùng với bộ ba Galaxy S10, cho thấy tham vọng dữ dội của Samsung. Công ty cho đặt trước và lên lịch bán Fold trước hai đối thủ là Huawei và Xiaomi.
Fold khởi đầu từ dự án tấm nền màn hình của Samsung. Từ chỗ chỉ là nhà sản xuất tivi hạng hai cho đến những năm 1990, Samsung nhanh chóng phát triển và thách thức Apple trên phân khúc smartphone cao cấp vào khoảng năm 2010. Tiếp đó, công ty nỗ lực để thay đổi định kiến từ kẻ bắt chước đến một nhà sáng tạo thực sự. Năm 2011, Apple còn kiện Samsung vì sao chép “trắng trợn” thiết kế iPhone, khai mào cho cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều năm.
Khi ấy, Samsung mới quyết định sử dụng sức mạnh hàng thập kỷ trong công nghệ màn hình để tạo ra một sản phẩm nguyên gốc, khác biệt. Một chiếc điện thoại khi mở ra trở thành tablet sẽ tạo ra một thị trường hoàn toàn mới. Theo nguồn tin của Bloomberg, các nguyên mẫu ban đầu bị bẻ gẫy như tờ giấy khô nếu đóng mở khoảng 10.000 lần. Dù vậy, Samsung nhận ra tiềm năng của nó và bắt đầu tuyển kỹ sư cơ khí để phát triển một bản lề với kích cỡ một ngón tay sau khi nhận ra chìa khóa để ngăn chặn sự đứt gẫy là phân tán áp lực. Các kỹ sư được khuyến khích đăng ký nhiều bằng sáng chế nhất có thể.
Mọi thứ dường như theo đúng kế hoạch cho tới tuần trước, khi báo cáo về các sản phẩm dùng thử bị hỏng xuất hiện, từ màn hình không hoạt động sau khi tấm phim bảo vệ bị tháo cho đến màn hình nhấp nháy liên tục. Samsung đã thu hồi các thiết bị mẫu nhưng ban đầu muốn duy trì kế hoạch phát hành như dự kiến. Theo Bloomberg, ngày 22/4, các giám đốc tập hợp tại trụ sở và tranh luận hàng tiếng trước khi đưa ra quyết định.
Trong tuyên bố chính thức, Samsung cho biết để đánh giá đúng các phản hồi và thực hiện kiểm tra nội bộ, công ty lùi ngày phát hành Galaxy Fold và sẽ công bố ngày lên kệ trong vài tuần tới. Xét quy mô sản xuất nhỏ của Fold, sự cố của nó không thể gây tác động tài chính như Note 7. Samsung dự báo làm ra ít nhất 1 triệu Fold trong năm nay, chiếm tỉ lệ nhỏ so với 291 triệu smartphone hãng bán được năm 2018. Nhưng nó đặt ra câu hỏi về quy trình nội bộ của hãng và liệu hãng có lặp lại sai lầm của 3 năm trước không.