Sáng 23/9, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Hoàng Thái tử Akishino đã tới tham quan Bảo tàng Sinh học thuộc Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) – nơi lưu giữ hai hiện vật là cá bống trắng và gà Onagadori do Hoàng gia Nhật Bản tặng.

Cá bống trắng do Thái tử Akihito (nay là Thượng hoàng) đã gửi tặng Bảo tàng vào năm 1976. Còn gà Onagadori thuộc giống gà quý ở Nhật Bản là quà tặng của Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino ngày 17/8/2012.

 Hoàng Thái tử Akishino xem tiêu bản cá bống.
Tiêu bản cá bống do Thượng hoàng Akihito tặng Bảo tàng năm 1976. Ảnh: Bảo tàng Sinh học

Hoàng Thái tử Akishino là một người cẩn thận, chỉn chu. Việc gì ông cũng làm rất chu đáo, vẹn toàn. Giống như Thượng Hoàng và Thượng Hoàng hậu, Hoàng Thái tử Akishino rất say mê tìm hiểu, nghiên cứu khoa học, đặc biệt là sinh học.

Với niềm đam mê sinh vật học, từ những nghiên cứu của mình, Hoàng Thái tử chú ý hơn tới các quốc gia ở Đông Nam Á, nơi có khí hậu nhiệt đới gió mùa, phong phú về thực vật và động vật. Ông tham gia và trở thành thành viên của nhiều hiệp hội liên quan đến động vật và là nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Đại học thuộc Đại học Tokyo.

Bên cạnh những mẫu hiện vật do Hoàng gia Nhật Bản tặng, Hoàng Thái tử Akishino còn quan tâm đến nhiều mẫu hiện vật khác tại bảo tàng, tìm hiểu về số lượng các loài động thực vật được trưng bày, nhất là những loài quý hiếm và sự tồn tại của các loài này trên thế giới hiện nay. 

Hoàng thái tử Nhật Bản xem các mẫu vật khác của bảo tàng.

Bảo tàng Sinh học được thành lập năm 1926, hiện nằm trong hệ thống Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam. 

Tại đây hiện lưu trữ, bảo tồn hàng trăm nghìn mẫu động vật, thực vật của Việt Nam sưu tầm từ cuối thế kỷ 19 đến nay, trong đó có cả vật mẫu của các vùng địa lý khác nhau trên thế giới do nguyên thủ quốc gia, các nhà khoa học và các bảo tàng nước ngoài tặng. 

Cũng trong sáng nay, Công nương Kawashima Kiko đã đến tham quan cơ sở Kymviet - nơi làm việc của những người khuyết tật còn khả năng lao động, góp phần cải thiện sinh kế và nâng cao đời sống, giúp họ hòa nhập với cộng đồng. 

Công nương Kiko cho biết trong chuyến thăm Việt Nam đã rất mong chờ sự kiện được đến thăm cơ sở sản xuất đồ thủ công do những người khuyết tật làm chủ.

Công nương Kiko thăm cơ sở sản xuất thú nhồi bông - nơi làm việc của nhiều người khuyết tật.

Ông Phạm Việt Hoài, chủ cơ sở cũng là người khuyết tật đã giới thiệu và đưa Công nương đi thăm quan cơ sở sản xuất.

Ban đầu, Kymviet chỉ có vài lao động, đều là người khuyết tật vận động, câm điếc. Tài sản vỏn vẹn 2 chiếc máy khâu, 1 máy vắt sổ, 1 cái bàn là, hoạt động trong khoảng sân rộng chừng 5m2 tại nhà thờ họ của một thành viên công ty. Đến nay, công ty đã có gần 30 nhân viên, trong đó 25 công nhân là người câm điếc. 

Dừng chân trong khuôn viên của Kymviet, Công nương được các nhân viên nơi đây dạy cách nói chuyện bằng ngôn ngữ của người khiếm thính.

Công nương học ngôn ngữ ký hiệu của người khiếm thính.
Món quà thủ công mà Kymviet tặng Công nương Kiko.

Sau đó, Công nương đã thưởng thức đồ uống trong không gian Kymviet cà phê, ông Hoài đã tặng Công nương 1 sản phẩm thủ công là đồ chơi nhồi bông hình rồng.

Trước đó, ngày 22/9, Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino cùng Công nương Kiko đã đến thăm Trường Đại học Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội) và giao lưu với giảng viên, học viên và sinh viên.

Hoàng Thái tử và Công nương đã bày tỏ sự quan tâm tới những chia sẻ của sinh viên và ấn tượng với nỗ lực của các sinh viên trong việc đưa ra giải pháp cho các vấn đề toàn cầu.

Hoàng Thái tử Akishino cùng Công nương Kiko thăm Đại học Việt Nhật và giao lưu với sinh viên. Ảnh: VNU
Hoàng Thái tử và Công nương thăm trường Nhật Bản Hà Nội.

Hoàng Thái tử Akishino cùng Công nương Kiko mong rằng, Trường Đại học Việt Nhật sẽ tiếp tục phấn đấu để phát triển hơn nữa, trở thành một trường đại học có thể đóng góp giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Trưa nay, Hoàng Thái tử và Công nương rời Hà Nội vào Đà Nẵng và Quảng Nam để tiếp tục tham gia các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam.