Sáng 7/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề cương giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”. Đây là chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2025.
4 đoàn công tác giám sát trực tiếp tại 15 địa phương
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, trong các nội dung đánh giá có hoạt động kiểm soát nguồn ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường nước, không khí...
Nội dung giám sát còn tập trung vào công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và xử lý vi phạm, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường...
Theo đề cương, 4 đoàn công tác sẽ giám sát trực tiếp từ cuối tháng 6 đến trước ngày 31/7 tại 15 địa phương: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Bình Dương, Long An, Trà Vinh, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bình Thuận và Lâm Đồng.
Đoàn giám sát cũng sẽ làm việc với các bộ thuộc lĩnh vực, tổ chức tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học trước khi làm việc với Chính phủ.
Dự kiến báo cáo kết quả giám sát và dự thảo nghị quyết giám sát chuyên đề sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10.
Cần đánh giá tổng thể ô nhiễm môi trường ở Hà Nội
Cho ý kiến về kế hoạch này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề cập đến tình trạng ô nhiễm môi trường ở Hà Nội và đề nghị có đánh giá tổng thể.
“Chúng ta cứ nói ô nhiễm nhưng chưa thấy cơ quan nào đánh giá tổng thể là từ đâu. Theo tôi, đoàn giám sát cần rà soát nguồn phát thải công nghiệp, các khu công nghiệp lớn xung quanh Hà Nội, những cơ sở sản xuất lớn gây ô nhiễm thế nào”, ông Vinh gợi mở.
Theo ông, với những đô thị phát triển thì đương nhiên sẽ phát sinh bụi xây dựng nhưng nên có kiểm soát. Tăng trưởng nóng sẽ gắn với bụi xây dựng. Ông cũng đề cập đến vấn đề ô nhiễm khu công nghiệp, xây dựng, ô nhiễm khu nông nghiệp do đốt rác thải, đốt vật liệu nông nghiệp.
Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục đề nghị cơ quan chuyên môn, chức năng đưa ra vấn đề này và có biện pháp khắc phục.
“Như ở Bắc Kinh, có thời gian ô nhiễm nặng nề, nhưng sau khi chuyển hết sản xuất công nghiệp ra khu vực ngoại vi, tổ chức lại cây xanh, giờ đây Bắc Kinh có ai nói ô nhiễm nữa đâu”, ông Vinh dẫn chứng.
Đánh thêm phí và không cho ô tô đi vào khu vực ô nhiễm nghiêm trọng
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, hoạt động giám sát phải đưa ra được những kiến nghị chính sách mạnh mẽ theo nguyên tắc “ai gây ra ô nhiễm phải trả phí khắc phục môi trường”.
“Ai thải ra 100m3 nước thải phải trả phí xử lý 100m3 nước thải đó. Việc giám sát phải chú ý đặc thù của từng địa phương để có kế hoạch khác nhau. Ví dụ với Hà Nội, ô nhiễm không khí đang rất bức xúc thì tập trung vào lĩnh vực ô nhiễm không khí”, ông Định nói.
Giải đáp sau đó, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho rằng, về vấn đề ô nhiễm không khí ở Hà Nội, Chính phủ và UBND TP Hà Nội đã có giải pháp nhưng cần được giám sát.
“Sau đợt giám sát này, có lẽ chúng ta cần có hành động quyết liệt hơn. Theo kinh nghiệm của một số quốc gia xung quanh như Trung Quốc trước đây, chắc ta phải có biện pháp mạnh mẽ hơn”, ông Thành nói.
Thứ trưởng dẫn chứng gần đây nhất, thành phố New York của Mỹ đã tăng mức thu phí và không cho ô tô đi vào khu vực ô nhiễm nghiêm trọng hay tắc nghẽn giao thông.
“UBND Hà Nội cũng đã có kế hoạch thực hiện việc này. Rất mong qua việc giám sát sẽ có biện pháp mạnh mẽ hơn, trong đó có vấn đề cần sửa đổi trong các luật, nghị định của Chính phủ và các hành động quyết liệt của chính quyền địa phương”, ông Thành kỳ vọng.
Ông cũng thông tin thêm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có kế hoạch chi tiết để cùng đoàn giám sát giúp cuộc giám sát thiết thực, chỉ ra được giải pháp.