Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là việc bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh thực hiện các hoạt động xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về pháp luật; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng tại Việt Nam thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được ghi nhận.
Tuy nhiên, để hoạt động này được đẩy mạnh và đi vào thực tiễn hơn nữa, các địa phương nên tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp từ các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Úc, Hàn Quốc...
Đơn cử như tại Mỹ, hiện có gần 31 triệu doanh nghiệp nhỏ, chiếm 99% tổng số doanh nghiệp và 1/2 tổng lao động của khu vực tư nhân. Theo thống kê, mỗi năm, hơn 13 triệu doanh nghiệp nhỏ phải đối mặt với các vấn đề pháp lý nhưng chỉ khoảng 60% trong số đó lựa chọn thuê luật sư tư vấn để giải quyết vấn đề vướng mắc, ít hơn 20% đăng ký sử dụng dịch vụ pháp lý thường xuyên. Để hỗ trợ về mặt pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ, Chính phủ liên bang và chính quyền các bang của Mỹ đã có một số biện pháp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ như: Thông qua Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp nhỏ của Hoa Kỳ (Small Business Administration hay SBA). Cơ quan này được thành lập và hoạt động trên cơ sở Đạo luật Doanh nghiệp nhỏ (Small Business Act) năm 1953, hoạt động chuyên trách với chức năng “giúp đỡ, tư vấn, hỗ trợ và bảo vệ lợi ích của các mối quan tâm của doanh nghiệp nhỏ".
Thông qua các đoàn luật sư, tổ chức dịch vụ pháp lý và luật sư. Các luật sư ở Mỹ được khuyến nghị theo các quy tắc đạo đức của Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ (American Bar Association - ABA) để đóng góp ít nhất 50 tiếng dịch vụ pro bono (cung cấp dịch vụ chuyên môn nghiệp vụ miễn phí nhằm hỗ trợ cho đối tượng yếu thế nào đó trong xã hội) mỗi năm. Trong đó, doanh nghiệp nhỏ là một trong những đối tượng thụ hưởng của dịch vụ pro bono.
Tại Úc, đây là một trong các nước đã tung ra gói hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ khi đối mặt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, phù hợp với tình hình môi trường, kinh tế của quốc gia) Có thể thấy, Chính phủ đã hỗ trợ một cách linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp nhỏ tại Úc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sớm quay trở lại trạng thái bình thường, tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, họ thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ thông qua thiết chế Ombudsman (tạm dịch là Thanh tra Nghị viện) cho Doanh nghiệp nhỏ và Doanh nghiệp gia đình Úc (Australian Small Business and Family Enterprise Ombudsman - ASBFEO) và các tổ chức hỗ trợ pháp lý của Úc) ASBFEO là cầu nối giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tại Úc để trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ đang gặp vấn đề trong các lĩnh vực liên quan đến sản xuất và kinh doanh nhưng chưa được nhà nước hỗ trợ, giải quyết đúng mực) ASBFEO thực hiện vai trò hỗ trợ pháp lý bằng cách giới thiệu doanh nghiệp nhỏ có nhu cầu được tư vấn pháp luật đến các tổ chức hỗ trợ pháp lý, luật sư hoặc công ty luật phù hợp.
Riêng tại Hàn Quốc, có hệ thống tra cứu thông tin pháp luật được phổ biến, ứng dụng công nghệ hiện đại và tiện lợi hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp trong quá tình tra cứu, áp dụng pháp luật. Thiết lập và vận hành hệ thống Quản lý Tích hợp cho Quy mô nhỏ và các Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Xây dựng cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Để khảo sát hiện trạng, phân tích, đánh giá và cải thiện hiệu quả của các chương trình viện trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ được quản lý thông qua hệ thống quản lý tích hợp. Thành lập Viện Doanh nghiệp vừa và nhỏ và Khởi nghiệp Hàn Quốc để thực hiện các cuộc khảo sát, nghiên cứu, giáo dục và đánh giá cần thiết cho việc xây dựng… các chính sách liên quan đến doanh nghiêpj vừa và nhỏ.