- Con vào lớp 1, ngoài vấn đề khoản tiền đóng góp đầu năm nhiều khiến cả nhà phải thắt chặt chi tiêu thì vấn đề đau đầu không kém của chị Vân (Hà Nội) là chuyện kèm con học bài mỗi tối. Học lớp 1 sao lại vất vả thế?

Gia sư bất đắc dĩ

Sau một ngày mải miết với công việc, về đến nhà lại lo cơm nước, làm việc nhà. Thời gian còn lại lẽ ra được dành để nghỉ ngơi, nhưng cứ 8 giờ tối chị lại tiếp tục làm “gia sư” cho học sinh lớp 1 đến tận 10, 11 giờ đêm. Lý do bởi con chị viết chữ quá xấu, qua hơn tháng đi học, được cô giáo rèn luyện mà vẫn xấu hoàn xấu nên không thể không luyện thêm ở nhà.

{keywords}
Hình ảnh có tính chất minh họa

Đối với chị Vân, chuyện ép con luyện chữ quả thực vất vả, viết cao quá một chút cũng không được, nét cong không đúng mẫu cũng không được, nét nào viết trước nét nào viết sau cũng phải chuẩn… Mà việc bắt một đứa trẻ hiếu động, ham chơi phải nắn nót từng nét chữ đâu có dễ. Con liên tục kêu mệt, mỏi tay, chán viết chữ… nên dù viết đi viết lại thì cũng không thấy tiến bộ là bao.

Mẹ bảo viết xong một trang sẽ cho nghỉ thì con ra sức viết thật nhanh cho hết trang mặc kệ con chữ liêu xiêu. Còn nếu mẹ yêu cầu phải viết ngay ngắn, thẳng hàng, đúng mẫu… con sẽ chống đối bằng cách viết thật chậm, viết mãi cũng không xong.

Chị bảo nhiều lúc mình thấy rất thương con, đã đi học cả ngày ở trường, về nhà lại phải học tiếp nhưng không học không được. Nhìn quyển vở viết của con nét nghiêng, nét đổ kèm theo dòng nhận xét chê nhiều hơn khen của cô giáo khiến chị không thể mềm lòng. Ngay cả mẹ chồng chị cũng sốt ruột yêu cầu chị phải rèn chữ cho cháu hàng ngày, không thể để cháu bà viết chữ “như gà bới” được.

Bản thân chị cũng có lúc hoang mang vì chương trình giáo dục mới đã thay đổi rất nhiều so với trước, có nhiều từ ngữ, cách phát âm phải nghiên cứu kỹ mới dám chỉ cho con. Không dạy đúng như cách của cô giáo thì con còn dứt khoát không nghe theo…

Lúc đầu vốn nghĩ là kiến thức lớp 1 rất đơn giản, Bộ GD-ĐT cũng chủ trương giảm tải cho học sinh tiểu học nên mình không cho con đi học trước, mà chỉ mua mấy cuốn vở tập tô về để con làm quen với chữ viết.

Ai ngờ tốc độ dạy và lượng kiến thức con phải học mỗi ngày đều tăng lên, bài mới, kiến thức mới nối tiếp nhau. Lớp lại đông học sinh, cô giáo không thể quan tâm đến từng người được. Nếu về nhà mẹ không kèm cặp thêm thì chắc chắn sẽ không theo kịp các bạn trong lớp.

May mắn là sự nỗ lực của chị cuối cùng cũng đã cải thiện một chút trình độ viết chữ của con, từ trung bình đã lên khá. Tuy nhiên, chị vẫn khẳng định dù thế nào vẫn phải tiếp tục luyện chữ cho đến khi con được cô giáo khen…

Đánh vật với tiếng Anh nước ngoài

Câu chuyện viết chữ là áp lực lớn với chị Vân nhưng không phải áp lực duy nhất. Chị tâm sự: Học tiếng Anh còn vất vả hơn học tiếng Việt. Mình vừa phải lo một khoản tiền đóng góp lớn, 3 triệu một học kỳ, vừa phải bỏ thời gian, công sức để kèm con học ở nhà.

Trường con chị học liên kết với một Trung tâm tiếng Anh nước ngoài, giáo viên dạy cũng là người nước ngoài nên yêu cầu cũng cao hơn. Trong khi con chưa từng làm quen với tiếng Anh trước đó nên chị lo lắng con không theo được chương trình thì sẽ tốn tiền vô ích.

Vì thế, ngoài thời gian luyện viết chữ, hai mẹ con phải đánh vật với đống sách vở tiếng Anh thì thằng bé mới nhớ được vài từ. Để con nhớ và viết được đúng từ đã khó, việc đọc tiếng Anh sao cho chuẩn, cho giống với người nước ngoài cũng làm chị căng thẳng.

Nếu biết trước học tiếng Anh là không bắt buộc trong chương trình giáo dục lớp 1, lại gây thêm áp lực thế này thì mình nhất định không cho con học. Trong khi chữ tiếng Việt con viết chưa chuẩn, phát âm còn sai be bét lại cõng thêm bài học tiếng anh nên gần như cháu không có một buổi tối nào được nghỉ ngơi, vui chơi. Nhiều khi đang học bảng chữ cái tiếng anh thằng bé lại lẫn sang tiếng việt... Rõ ràng là ngành giáo dục chủ trương giảm tải nhưng sao mình vẫn thấy có quá nhiều áp lực - chị Vân nói.

***

Kết lại câu chuyện của mình, chị Vân cho rằng bản thân chị không muốn tạo áp lực cho con. Nhưng để con hoàn thành được chương trình học, đạt được các yêu cầu về chữ viết, tập đọc, tính toán, để con nhận được những nhận xét tốt, những hình mặt cười của cô giáo thì việc bố mẹ phải làm “gia sư” cho con là điều không tránh khỏi.

Con bạn năm nay vào lớp 1? Bạn có chọn cho con học trước khi vào lớp 1? Vì sao bạn không cho con học trước khi vào lớp 1? Hãy chia sẻ kinh nghiệm của bạn tới bangiaoduc@vietnamnet.vn

Quyên Đỗ