- “Chúng ta có lợi thế là người nhà - am hiểu chính người Việt, quen thị trường mà chúng ta không thể nghiên cứu được, phải dùng, phải “học mót” của nước ngoài. Đây chính là sự bị động của DN bán lẻ Việt Nam” - TS. Võ Trí Thành nhận xét.

Tòa nhà cao thứ nhì Việt Nam ế khách sau ít ngày mở cửa

Quy mô còn nhỏ

Mặc dù không còn nằm trong top 30 quốc gia đang phát triển có thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới, nhưng theo các chuyên gia, thị trường bán lẻ của Việt Nam vẫn khá khiêm tốn và có nhiều tiềm năng, nhất là trong đầu tư bán lẻ hiện đại nhờ quy mô, số lượng người tiêu dùng, và thu nhập bình quân đầu người tăng lên. 

Ông Trần Nguyên Năm, Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đánh giá, thị trường bán lẻ Việt Nam chủ yếu bị chi phối bởi các kênh phân phối truyền thống. Tính đến cuối năm 2013, cả nước có 8.446 chợ các loại, khoảng 1 triệu cửa hàng quy mô nhỏ hộ gia đình có nhà ở mặt tiền. Số cơ sở bán lẻ hiện đại còn rất ít. Cả nước mới chỉ có khoảng 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại các loại, số cửa hàng tiện lợi hoạt động theo đúng nghĩa mới chỉ ở con số hàng trăm.

{keywords}
Cảnh đìu hiu tại một trung tâm mua sắm

Ông Năm cho biết, từ năm 2013 đến nay, ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM của Việt Nam, đã và đang có sự bùng nổ về phát triển loại hình cửa hàng tiện lợi mang thương hiệu khá nổi tiếng của nước ngoài như B’s mart, Circle K... Ngoài ra, một số doanh nghiệp nước ngoài như Walmart (Mỹ), Auchan (Pháp) đã làm việc với Bộ Công Thương để tìm kiếm, thăm dò cơ hội phát triển tại Việt Nam. 

Thị trường đồng thời xuất hiện các nhà đầu tư mới như Robinson (Thái Lan) khi khai trương một trung tâm mua sắm tại Hà Nội vào tháng 3/2014, E-mart (Hàn Quốc) đang hoàn thành thủ tục đầu tư một trung tâm mua sắm tại TP.HCM...

Một số doanh nghiệp phân phối FDI ở Việt Nam cũng gia tăng tốc độ phát triển các cơ sở bán lẻ trực thuộc, như Big C (Pháp), Lotte, Lock&Lock (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản)...

Thay đổi trước khi quá muộn

Trước lo ngại về việc doanh nghiệp ngoại lấn át các nhà bán lẻ trong nước, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ, nhận định, nhiều nhà bán lẻ nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam thời gian qua không có nghĩa doanh nghiệp nội bị thôn tính, mất thị phần, cơ hội cho các đơn vị trong nước vẫn còn nhiều. 

Theo bà Loan, cuộc cạnh tranh hiện nay chủ yếu trên lĩnh vực bán lẻ hiện đại. Thực tế, đến thời điểm này, chưa nhà bán lẻ nước ngoài nào quan tâm thị trường nông thôn và chợ truyền thống, bởi lẽ đây không phải là kênh thu nhiều lợi nhuận.

Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, cho biết, doanh nghiệp bán lẻ trong nước có lợi thế “sân nhà” cùng với việc hiểu rõ thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam. Vì thế, tập đoàn này tự tin khi mua lại hệ thống bán lẻ Oceanmart và tham vọng khoảng 100 siêu thị và 1.000 cửa hàng tiện ích trên cả nước đến năm 2017.

{keywords}
Cơ hội cho DN bán lẻ vẫn còn nhiều

Theo ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái, thời điểm này nói câu chuyện bảo hộ đã là lỗi thời, 5 năm nữa vẫn nói câu chuyện này sẽ không thể nào chấp nhận được theo xu thế của thế giới. 

“Từ ngày gia nhập WTO, dịch vụ bán lẻ kỳ vọng phát triển theo kiểu “Phù Đổng”, nhưng rất khó. Cứ nhìn vào kết quả 7-8 năm vừa rồi, chính sách dịch vụ bán lẻ cứ bảo hộ như bây giờ thì DN nào cũng lớn, cũng hoành tráng, song thực chất lại chẳng có gì”, ông Đoàn nhận xét.

T.S Võ Trí Thành thẳng thắn, chưa có một doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam nào để ý hoặc bỏ công ra nghiên cứu thị trường đầy đủ, bài bản và thực sự có số liệu thống kê chuẩn nên không có quy hoạch và luôn đi sau doanh nghiệp ngoại. 

“Chúng ta có lợi thế là người nhà - am hiểu chính người Việt, quen thị trường mà chúng ta không thể nghiên cứu được, phải dùng, phải “học mót” của nước ngoài. Đây chính là sự bị động của DN bán lẻ Việt Nam”, ông Thành cho hay.

Ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc chuỗi siêu thị Saigon Co.op, đánh giá, thách thức với các đơn vị bán lẻ hiện nay là sự bùng nổ của thương mại điện tử, bán hàng qua truyền hình. Theo ông Đức, không chỉ các sàn thương mại điện tử nở rộ mà cá nhân cũng có thể tự kinh doanh thông qua các mạng xã hội. Đón đầu xu thế này, các doanh nghiệp buộc phải đầu tư cho mình hệ thống bán hàng trực tuyến để không bị mất thị phần.

Đại diện Vụ thị trường trong nước khẳng định, sắp tới sẽ có nhiều doanh nghiệp nước ngoài gia nhập thị trường bán lẻ của Việt Nam, do vậy bản thân doanh nghiệp trong nước phải tự hoàn chỉnh chính mình. “Chúng ta vẫn cần phải học tập, cố gắng hơn để tự đổi mới mình, có như vậy, các doanh nghiệp trong nước mới có thể vươn lên được”, ông Năm nói.

Duy Anh