Thời chúng tôi đi học, bị thầy cô phạt là chuyện như "cơm bữa". Tới giờ, sau hơn 20 năm ra trường, tôi luôn thấy biết ơn cô giáo vì hình phạt đặc biệt, đã thay đổi cả cuộc đời tôi.
LỜI TÒA SOẠN
Những hình thức kỷ luật học sinh như phê bình trước tập thể, phạt đứng dưới cột cờ... đã lỗi thời trong môi trường giáo dục. Những hình phạt này không chỉ khiến cho học sinh cảm thấy mặc cảm, xấu hổ, thậm chí còn gây ra tác dụng ngược. Thay vào đó, nhiều thầy cô cũng đã có những "hình phạt" đặc biệt, giúp học trò tiến bộ tích cực. Diễn đàn 'Kỷ luật mềm' tại trường học chia sẻ tới độc giả những câu chuyện như vậy. Bạn đọc có bài xin gửi về Bangiaoduc@vietnamnet, xin cảm ơn!
Đi học rồi đi làm, cuống cuồng bận rộn lo cơm áo gạo tiền, có lẽ cũng chẳng mấy ai nhớ đến những người đã dạy mình từ ngày cấp một, cấp hai.
Nhưng với cô Tâm thì khác, chưa khi nào tôi quên cô. Đặc biệt, mỗi lần về quê, thói quen của tôi là dẫn vợ con đến thăm cô, cùng ăn một bữa cơm canh cua, cà muối... mà ở đó, cả cô cả trò đều cười từ đầu tới cuối bữa cơm.
Cô Tâm là cô giáo chủ nhiệm của chúng tôi hồi lớp 6. Ngày ấy, cô Tâm “khét" lắm, các chị khóa trước chia sẻ: "Ai mà học lớp cô, cứ chuẩn bị tinh thần cô “rèn cho ra bã”.
Sau này là học sinh của cô, tôi mới thấy đúng là mình “ra bã” thật. Cô nghiêm khắc, nhất là với việc học tập. Nhưng học trò mắc lỗi, cô phạt mỗi người một kiểu, không ai giống ai.
Đơn giản như Thắng - bạn thân tôi, chữ xấu tới mức “gà bới” cũng phải thua. Tới lần thứ hai không làm bài tập, cô phạt Thắng bằng cách cho tự giác chép phạt bài 50 lần, tất nhiên phải viết thật nắn nót. Từ sau lần ấy, chữ viết Thắng cải thiện hơn nhiều, cô giáo dạy Văn cũng không phải đau đầu mỗi khi chấm bài kiểm tra.
Còn tôi rất thích vẽ và tôi đã vẽ một cách vô tội vạ, vẽ ở khắp nơi... Thích là tôi vẽ, không cần biết quy định của trường thế nào. Hôm ấy, tôi được bạn của bố tặng một bộ màu sơn vẽ trên tường và tôi đã mang tới lớp rủ Hùng hết giờ ở lại vẽ cùng tôi. Tôi đã vẽ những nét ngoằn ngoèo, vẽ “điên dại” đầy khoái chí lên tường của lớp, không cần biết hậu quả.
Ngay hôm sau, tôi nghe nói cô Tâm đã bị ban giám hiệu nhắc nhở vì không quản được học sinh, để học sinh vẽ bậy làm xấu không gian lớp học.
Tiết sinh hoạt tuần đó, cô Tâm dành nhiều thời gian nói về sự vô tổ chức của học sinh làm ảnh hưởng tới thi đua của cả tập thể lớp nhưng không nhắc đến tên tôi.
Ở thời điểm đó, với cái tính ương bướng của tuổi học trò, tôi không nhận ra sai lầm, cũng không biết sự khéo léo của cô khi không phê bình tôi trước cả lớp. Trái lại, tôi chỉ thấy bực tức với cô giáo. Cuối tiết, cô mời tôi ở lại và phạt tôi bằng cách phải nghĩ ra một chủ đề thật phù hợp, tôi và cô sẽ cùng quét vôi lại bức tường của lớp và thiết kế một bức tường đầy màu sắc xinh tươi khác thay vào đó.
Mấy hôm sau, cô Tâm lập một danh sách học sinh gồm những bạn vẽ khá trong lớp. Sau đó, cô nhờ bạn trên thành phố mua giúp bút vẽ, màu vẽ tường. Hai ngày cuối tuần, cô trò chúng tôi đã “thi công” xong bức tường đầy mới mẻ. Thay những nét vẽ loang lổ của tôi khi trước là hình ảnh một góc sân trường với các bạn học sinh đang chơi vui vẻ.
Ở bức tranh ấy, tôi là người lên ý tưởng, vẽ chủ đạo còn khác bạn khác cùng vẽ phụ. Đến gần tối, bức tranh mới hoàn thành, cô yêu cầu tất cả phải qua nhà cô ăn cơm. Nhà cô Tâm ở ngay phía sau trường, nhà cũng chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc ti vi đen trắng đã cũ và bộ bàn ghế ở phòng khách.
Chúng tôi đứa thì nhặt rau, đứa vo gạo, một loáng là có bữa cơm ngon. Trong bữa cơm gần gũi ấy, cô kể cho chúng tôi nghe về ước mơ của cô là dạy những đứa trẻ nên người, để chúng thành một công dân tốt.
Cô cũng kể chồng cô là bộ đội, quanh năm vắng nhà. Một mình cô tần tảo lo chuyện ăn uống, học hành cho 2 con nên cô mong chúng tôi “bớt quậy” cho cô không đau đầu. Trong cuộc trò chuyện ấy dường như không còn khoảng cách cô trò, tôi thấy gần gũi lạ thường. Kể từ ấy, tôi không còn quậy trong các tiết học, cũng không vẽ bậy lên tường nữa.
Bức tranh "bất đắc dĩ" của tôi trên tường lớp học được lan truyền khắp nơi. Tôi còn được các cô giáo ở trường mầm non trong làng nhờ tới vẽ một số bức hình trong khu vui chơi của trường. Tôi nổi tiếng, thành "cây vẽ" trong làng từ ấy.
Khi tôi lên cấp 3, cô Tâm dặn tôi đừng lãng phí tài năng vẽ và nhớ lời cô dặn, giờ đây tôi đã trở thành một kỹ sư chuyên thiết kế đồ họa có tay nghề.
Cô Tâm chính là một người nghiêm khắc nhưng ẩn chứa là một trái tim tràn đầy nhân hậu. Trái tim nhân hậu ấy đã khiến một đứa học trò ngỗ nghịch như tôi thực sự được cảm hóa...