Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp TT Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, dù 18 ngày qua, Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm trong cộng đồng nhưng vẫn chưa thể yên tâm.

Bắt đầu từ hôm nay, học sinh đã trở lại trường học. Cuộc sống của người dân đã trở lại nhưng trong trạng thái “bình thường mới”.

“Không một quốc gia nào có thể khẳng định kiểm soát được 100% ca bệnh trong cộng đồng, đặc biệt khi có tới 60% bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ. Khi không rà được hết thì dịch có nguy cơ bùng lên bất cứ lúc nào”, PGS Phu nói.

{keywords}

PGS Phu khuyến cáo, Việt Nam chưa hết dịch Covid-19 nên người dân cần tiếp tục tuân thủ nguyên tác 5 an toàn

 

Ngay cả khi Việt Nam qua 30 ngày không có thêm ca nhiễm mới trong cộng đồng, lúc đó cũng chỉ tạm yên tâm.

Hiện tại, nắng nóng đã phủ rộng khắp cả nước, nhiều người tin rằng đây sẽ là yếu tố thuận lợi khiến virus SARS-CoV-2 bị triệt tiêu như từng xảy ra với dịch SARS, song PGS Phu khẳng định, điều này không đúng.

“Nắng nóng có thể tiêu diệt một phần virus ngoài trời nhưng lây lan Covid-19 chủ yếu trong bóng râm, trong nhà, trong điều hoà, văn phòng do tiếp xúc với giọt bắn từ giao tiếp trực tiếp hoặc sờ vào các bề mặt có vi khuẩn rồi đưa lên mắt, mũi, miệng”, PGS Phu giải thích.

Vì vậy trong tình hình hiện nay, người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng tránh dịch Covid-19 trong tình hình mới theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng.

Với mỗi người dân, cần tuân thủ 5 an toàn: Đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc giao tiếp dưới 2m; không tụ tập đông người; hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết; khai báo y tế.

“Việt Nam mới chỉ đang trong giai đoạn giảm giãn cách, không phải đã hết dịch nên mọi người dân, cơ quan cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Nếu không tuân thủ tốt, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 vẫn còn nguyên”, PGS Phu cảnh báo.

PGS nhìn nhận, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều nước đã dự báo có thể có làn sóng thứ 2, thứ 3 bùng dịch Covid-19 và dịch có thể kéo dài tới 18-24 tháng nên chưa thể biết khi nào sẽ hết dịch tại Việt Nam.

Thông tin một số nước bắt đầu thử nghiệm vắc xin mang lại nhiều hy vọng cho cộng đồng nhưng chưa thể biết khi nào sẽ có vắc xin ngừa Covid-19.

PGS Phu dẫn chứng, các nhà khoa học đã mất 36 năm nghiên cứu vắc xin ngừa HIV đến nay vẫn chưa thể tìm ra.

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng cho biết, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia vẫn chưa tính đến thời điểm công bố hết dịch Covid-19 tại Việt Nam khi số ca mắc mới trên thế giới còn cao.

Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang tiếp tục bảo hộ công dân, đưa công dân bị kẹt ở nước ngoài về nước và đón chuyên gia các nước sang Việt Nam làm việc nên vẫn có thể ghi nhận các ca nhiễm mới.

Hiện Việt Nam cũng chưa chốt thời điểm mở lại đường bay với các nước.

Thúy Hạnh

Phi công Vietnam Airlines nguy kịch, phổi tổn thương nặng

Phi công Vietnam Airlines nguy kịch, phổi tổn thương nặng

- Bệnh nhân 91 trong tình trạng nguy kịch, phổi phải bị xẹp kèm tràn khí màng phổi, phổi trái đông đặc.