Đoàn công tác đã được nghe báo cáo, trao đổi kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Hải Dương.
Sau khi trao đổi kết quả, kinh nghiệm triển khai xây dựng nông thôn mới, Đoàn đã đến thăm một số mô hình sản xuất tại xã Cao An, huyện Cẩm Giàng.
Theo báo cáo của tỉnh Hải Dương, thời gian qua địa phương đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án, cơ chế, chính sách trong xây dựng nông thôn mới (NTM) như: Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng nông thôn, nâng cao đời sống của nhân dân...
Cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã đã thể hiện sự quyết liệt, sáng tạo, có nhiều cách làm hay, hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và nhân dân các chủ trương, chính sách; ý nghĩa, vai trò của Chương trình; đồng thời, trực tiếp giao nhiệm vụ cho các xã, thôn và nhân dân trên địa bàn triển khai thực hiện, hoàn thành 19 tiêu chí NTM, phấn đấu hoàn thành 18 tiêu chí NTM nâng cao.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể đã phối hợp và tổ chức nhằm cụ thể hóa Nghị quyết, xây dựng kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời, chỉ đạo, tổ chức triển khai sâu rộng cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, thực hiện phong trào thi đua “cả nước chung sức xây dựng NTM” tới các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân.
Kết quả, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP (giá 2010) tăng bình quân 8,1%/năm; giai đoạn 2010 - 2015 (7,7% năm); Quy mô kinh tế của tỉnh năm 2020 gấp 1,6 lần năm 2015; GRDP tăng bình quân 8,8%/năm; tổng thu nhập bình quân đầu người đạt 69,8 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, năm 2020, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ chiếm 90,3% GRDP, nông nghiệp chiếm 9,7% GRDP.
Chương trình xây dựng NTM đã thu hút và huy động nguồn lực của toàn xã hội với hơn 58,4 nghìn tỷ đồng trong hơn 10 năm (vốn vay tín dụng: 32,42 nghìn tỷ đồng, chiếm 55,5%), đặc biệt là sự đóng góp của nhân dân như tự nguyện hiến hàng triệu m2 đất để làm đường và các công trình phúc lợi. Nhờ đó, hàng nghìn km đường giao thông nông thôn được xây dựng không phải đền bù khi giải phóng mặt bằng.
Năm 2021, Hải Dương có 128 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (61 sản phẩm 3 sao và 65 sản phẩm 4 sao, trong đó có 2 sản phẩm đề nghị Trung ương công nhận 5 sao). Năm 2022, Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP của tỉnh đã công nhận, xếp hạng thêm: 36 sản phẩm đạt 4 sao và 79 sản phẩm đạt 3 sao.
Năm 2021, tỉnh Hải Dương đã hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM; có 43 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Năm 2022, Hải Dương có thêm 29 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.