Trước đại dịch Covid-19, thế giới đã trải qua hàng chục đại dịch nguy hiểm, tàn khốc. Điển hình các đại dịch, như: dịch hạch Justinian (541 - 750 sau Công nguyên), cướp đi sinh mạng của khoảng 50 triệu người, chiếm một nửa dân số thế giới lúc bấy giờ - lần đầu tiên xảy ra đối với loài người; dịch hạch “Cái chết đen” xảy ra vào thế kỷ XIV khiến trên 75 triệu người phải bỏ mạng; bệnh đậu mùa thế kỷ XV - XVII làm khoảng 20 triệu người chết, chiếm gần 90% số dân bản địa châu Mỹ khi đó.

Đại dịch tả lần đầu tiên được giới y học ghi nhận vào năm 1563 tại Ấn Độ, sau đó lan ra thế giới làm hàng chục triệu người tử vong.

Đại dịch cúm: Tây Ban Nha (1918), Hong Kong (1968) làm khoảng 01 triệu người chết. Dịch bệnh HIV/AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch) được ghi nhận đầu tiên vào năm 1981, có khoảng 75 triệu người nhiễm bệnh, 32 triệu người chết, đến nay vẫn là nỗi ám ảnh của nhân loại. Gần đây là dịch SARS (2003), dịch cúm H1N1 (đầu năm 2019) làm hàng trăm triệu người nhiễm bệnh, hàng trăm nghìn người chết.

Còn đại dịch Covid-19 bùng phát, toàn thế giới chung tay đối phó với những nỗ lực rất lớn, nhiều nước có nền y học hiện đại sớm giải mã thành công bộ gene virus Corona chủng mới, từ đó đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu, sản xuất vaccine, thuốc đặc trị. 

cap toc lay mau xet nghiem covid 19 cho 1000 nhan vien san bay tan son nhat.jpg

Tuy nhiên, những “bí ẩn” trong cơ chế lây, truyền bệnh, các biến thể của virus Corona, các loại virus có khả năng gây bệnh truyền nhiễm khác mà các chuyên gia y học thế giới chưa thể nghiên cứu “sâu” hoặc chưa biết đến; tình trạng dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát ở nhiều quốc gia, nhưng nguy hiểm hơn, thế giới chưa xây dựng được phác đồ điều trị Covid-19,... đó là những thách thức không nhỏ tác động đến nỗ lực phòng, chống đại dịch trên toàn cầu.

Giới chuyên gia quốc tế cho rằng, sớm muộn thì đại dịch cũng sẽ được kiểm soát, nhưng cho dù được kiểm soát thì Covid-19 đã gióng lên “hồi chuông” cảnh tỉnh thế giới về tính chất phức tạp, mức độ nguy hiểm của các loại dịch bệnh truyền nhiễm sinh học - mối đe dọa an ninh phi truyền thống đáng lo ngại nhất đối với loài người trước kia, hiện nay và sau này.

Bởi lẽ, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, như: bão, lũ lụt, hạn hán, động đất, kể cả khủng bố,… chỉ gây thiệt hại nặng nề trong phạm vi một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ ở một thời điểm nhất định, còn dịch bệnh truyền nhiễm có thể trở thành mối hiểm họa “giết người hàng loạt” đe dọa đến sự sống của cả nhân loại.

Theo kết quả điều tra dịch tễ học, trong thế giới đương đại số ca nhiễm từ những bệnh truyền nhiễm mới, như: SARS, HIV, virus Ebola và Covid-19 tăng gấp 4 lần so với thế kỷ trước; từ năm 1980, số vụ dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát mỗi năm gần như tăng gấp 3 lần.

“Nghịch lý” về sự gia tăng dịch bệnh truyền nhiễm trong thế giới văn minh ngày nay do nhiều nguyên nhân, nhưng tập trung vào một số nguyên nhân chủ yếu sau:

Một là, sự giao lưu quốc tế theo hướng rộng mở và rất thuận lợi trong điều kiện toàn cầu hóa làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh; khả năng di chuyển tới bất cứ nơi nào trên thế giới trong thời gian ngắn bằng đường không của con người làm cho dịch bệnh có thể lây truyền “siêu nhanh” ra toàn cầu, nếu không được kiểm soát tốt.

Hai là, dân số của thế giới tăng nhanh (50 năm qua, dân số thế giới tăng gấp đôi), khiến cho nguy cơ lây nhiễm bệnh tăng cao hơn.

Ba là, làn sóng người di cư (mới đây là khủng hoảng di cư từ “lục địa Đen” sang châu Âu), làn sóng người biểu tình nổ ra liên tiếp ở khắp các châu lục làm gia tăng nguồn lây nhiễm bệnh trong cộng đồng và sẽ rất khó kiểm soát.

Bốn là, hiện tượng kháng vaccine cũng làm xuất hiện các virus có độc tố cao hơn, biến thể phức tạp hơn, điển hình là virus SARS-CoV-2 được cho là cùng chủng với virus SARS gây đại dịch năm 2003, nhưng đã biến thể nguy hiểm hơn.

Năm là, biến đổi khí hậu làm gia tăng số lượng vi sinh vật truyền bệnh và côn trùng đột biến. Muỗi Aedes aegypti, vật trung gian lây nhiễm virus Zika gây bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và nhiều biến chứng về bệnh thần kinh là một ví dụ. Trước “hiểm họa” mà dịch Covid-19 đang hoành hành và các đại dịch khác có thể gây ra cho nhân loại, giới chuyên gia cho rằng, cùng với các giải pháp cấp bách để ngăn chặn dịch Covid-19, các nước cần coi trọng các giải pháp cơ bản, lâu dài để đối phó với các thách thức an ninh sinh học nói riêng - an ninh phi truyền thống nói chung, coi đây là yêu cầu thiết yếu trong chiến lược an ninh của quốc gia.

Hồng Nhì