Ngày 8/6 tại Trùng Khánh, Trung Quốc đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (HN BTNG) hợp tác Mekong – Lan Thương (MLC) lần thứ 6, với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước Campuchia, Myanmar, Lào, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự.
Những kết quả đáng ghi nhận sau năm năm hình thành và phát triển
Sau năm năm hình thành và phát triển, hợp tác Mekong – Lan Thương đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nổi bật là việc sáu quốc gia ven dòng sông Mekong - Lan Thương là Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc đã xây dựng các kế hoạch hành động trong năm lĩnh vực ưu tiên; thành lập các trung tâm hợp tác chuyên ngành; và triển khai hơn 500 dự án hợp tác về thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, quản lý nguồn nước, môi trường, y tế và văn hoá.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Lan Thương lần thứ 6 diễn ra tại Trùng Khánh |
Trên cơ sở đó, các Bộ trưởng khẳng định thời gian tới sẽ thúc đẩy MLC theo hướng củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế xã hội của các nước thành viên, xây dựng Cộng đồng ASEAN, và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững 2030.
Nhân dịp này, các Bộ trưởng đã thông qua ba văn kiện về tăng cường hợp tác phát triển bền vững, khuyến khích hợp tác giữa các địa phương và hợp tác y học cổ truyền.
Cụ thể, MLC sẽ chú trọng các nội dung về hợp tác nguồn nước và môi trường, hợp tác ứng phó đại dịch, phục hồi kinh tế sau đại dịch thông qua thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa sáu nước, khuyến khích hợp tác giữa chính quyền địa phương sáu nước nhằm nâng cao hiệu quả chung của MLC.
Đồng quan điểm này, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng MLC cần giải quyết ba yêu cầu cấp bách là ứng phó thành công dịch Covid-19, duy trì tăng trưởng kinh tế, và ngăn chặn suy thoái môi trường.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề xuất bốn nhóm biện pháp
Trên tinh thần chung đó, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề xuất bốn nhóm biện pháp chính được các nước thành viên đánh giá cao, tiếp thu và thể hiện trong các văn kiện của Hội nghị như sau:
Thứ nhất, hợp tác chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về phòng chống Covid-19; chuyển giao công nghệ về sản xuất vaccine một cách thiết thực, hiệu quả.
Thứ hai, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là những mặt hàng nông thủy sản, trái cây tươi; thông tin kịp thời cho doanh nghiệp về các yêu cầu và tiêu chuẩn tiếp cận thị trường.
Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong thông qua tăng cường chia sẻ số liệu thuỷ văn, tham vấn xây dựng chính sách tài nguyên nước; thực hiện dự án chung về biến đổi khí hậu, thiên tai, xâm nhập mặn, và tăng cường hợp tác giữa MLC và MRC.
Cuối cùng, thúc đẩy phối hợp giữa MLC với ASEAN và các cơ chế hợp tác khu vực và tiểu vùng khác; khuyến khích sự tham gia của các địa phương vào các chương trình, hoạt động của MLC.
Năm 2021 có thể coi là năm phát triển bền vững ASEAN - Trung Quốc. Trong bối cảnh cả ASEAN và Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn do những biến động khó lường trên thế giới và đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19, ưu tiên hàng đầu lúc này của cả hai là đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo đời sống bình yên cho người dân, đồng thời duy trì môi trường ổn định chung để cùng nhau khôi phục và phát triển sau đại dịch.
Với hướng đi và mục tiêu đã vạch ra, thông qua MLC cũng như hợp tác đa phương hay song phương khác, quan hệ hai bên đang đứng trước cơ hội để phát triển lên tầm cao mới, đem lại lợi ích thiết thực cho cả ASEAN lẫn Trung Quốc, đồng thời đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển chung của khu vực.
Văn Hùng