Phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) là một chủ trương lớn, xuyên suốt và nhất quán của Đảng và Nhà nước, đang trở thành một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế đất nước.
Thực hiện chủ trương của Đảng, trong những năm qua Hội Nông dân Việt Nam đã tích cực tuyên truyền, vận động và hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia phát triển KTTT, HTX và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế hộ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho nông dân.
Phát biểu tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII năm 2023 với chủ đề: “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp” được tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Cường – Quyền Trưởng ban Kinh tế, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, trong những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam luôn xác định tham gia phát triển KTTT, HTX là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội, chú trọng xây dựng các mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp hoạt động theo phương thức “5 tụ”, “5 cùng”, góp phần đẩy mạnh quá trình tham gia phát triển KTTT, HTX.
Đến hết năm 2022, các cấp Hội đã vận động, hướng dẫn thành lập 22.374 mô hình KTTT hoạt động có hiệu quả, trong đó có 2.398 HTX nông nghiệp và 19.976 tổ hợp tác (THT) nông nghiệp. Doanh thu bình quân hàng năm trên 5,5 tỷ đồng/HTX (lợi nhuận đạt 350 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân/thành viên/năm đạt 51,5 triệu đồng) và trên 400 triệu/THT (lợi nhuận đạt trên 41 triệu/THT); trên 700 hợp tác xã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên (chiếm gần 20%); các mô hình HTX nông nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị ngày càng tăng, nhiều HTX đã đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Cường cũng cho biết, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, năng lực và chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực KTTT được triển khai thường xuyên với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo. Hội đã trực tiếp tổ chức và phối hợp tổ chức 2.120 lớp tập huấn cho 117.840 lượt cán bộ chuyên trách của Hội và cán bộ, thành viên các HTX nông nghiệp; xây dựng và phát hành gần 200.000 bộ tài liệu tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng tham gia phát triển KTTT, HTX cho cán bộ, hội viên nông dân.
Công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia phát triển KTTT gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác; tuyên truyền, nêu gương các mô hình HTX nông nghiệp tiêu biểu trong ứng dụng khoa học - công nghệ và tham gia chuỗi giá trị, các mô hình quản trị hiệu quả. Phối hợp tổ chức 3.350 lớp tập huấn về chủ trương, chính sách phát triển KTTT cho gần 3 triệu lượt người tham dự, tổ chức 655 buổi cung cấp thông tin, tư vấn hoàn thiện hồ sơ thành lập mới và củng cố HTX nông nghiệp cho hơn 32 ngàn lượt người, xây dựng và phát hành 750 phóng sự, 10.200 tin, bài tuyên truyền về các mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới hoạt động hiệu quả....
Cùng với các hoạt động trên, Hội đã tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các sản phẩm của HTX nông nghiệp; phối hợp tổ chức các hội chợ thương mại, giao thương, kết nối cung - cầu, hỗ trợ cho 1.328 HTX. Tập trung triển khai các hoạt động hỗ trợ ứng dụng khoa học, công nghệ và kỹ thuật cho các HTX nông nghiệp. Trong giai đoạn 2016-2022, Hội đã phối hợp tổ chức trên 7.300 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ và kỹ thuật mới về nông nghiệp và các nghề tiểu thủ công nghiệp cho trên 700.000 lượt thành viên HTX, THT…
Những kết quả trên có thể thấy, trong những năm qua Hội Nông dân Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực vào phát triển KTTT trong nông nghiệp. Các mô hình KTTT, THT, HTX do Hội Nông dân tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập hoạt động hiệu quả ngày càng tăng, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Ông Cường cho biết, trong thời gian tới, Hội đã định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm như truyền thông nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về vai trò của Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển KTTT trong nông nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Hội thực hiện công tác hỗ trợ phát triển KTTT. Bên cạnh đó là tuyên truyền, vận động, tư vấn và hỗ trợ hội viên, nông dân thành lập mới các THT, HTX trong nông nghiệp, mục tiêu đến năm 2025 thành lập mới ít nhất 600 HTX, tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho 15.000 hội viên nông dân; thành lập mới ít nhất 4.000 THT, tạo việc làm thời vụ cho khoảng 40.000 hội viên nông dân; đến năm 2030 tương ứng là 1.600 HTX với 40.000 thành viên và 8.000 THT với 80.000 thành viên…