Mạng xã hội và báo chí đang chuyển tải một câu chuyện đau lòng. Sống giữa thành phố thời bình, một cái chết thương tâm của cháu trai 9 tuổi khiến ai ai cũng không thể cầm lòng
14 giờ chiều 23 tháng 9, trong khi đang chơi đùa với bạn ở khu vực gần ngõ 66 phố Tân Mai, một cháu bé sinh năm 2007 đã bị tấm tôn chằng trên xe xích lô cứa ngang cổ, tử vong trên đường vào bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Từ nơi xảy ra tai nạn, đến bệnh viện Bạch mai, quãng đường chưa đầy ba cây số … vết thương phải là chí mạng người ta mới không kịp cứu được em.
Một gia đình mất đứa con trai. Đêm nay, sẽ là một đêm dài khủng khiếp.
Người đàn ông đạp xích lô chở thuê những tấm tôn vật liệu xây dựng với tiền công khoảng 150 ngàn chưa biết đúng sai thế nào, chắc chắn phải đối diện với nỗi khiếp sợ cả đời. Nhưng những chuyện như thế, qua hôm nay, ở thành phố Vì hòa bình này, sẽ vẫn tiếp tục diễn ra như cơm bữa.
Tôi biết khu vực từ cầu Tân Mai, trên đường Trương Định, đến khoảng ngõ 66 Tân Mai ấy. Ở đó có những cửa hàng bán vật liệu sắt thép và tôn. Những cửa hàng ngay mặt phố, bất kể giờ nào cũng có người lôi ra những thanh thép, tấm tôn để buộc lên xe máy, xích lô, chở đến các công trình xây dựng dân sinh đâu đó. Việc thoát khỏi những thanh sắt dài cả chục mét vung vẩy theo bánh xe lăn hay những tấm tôn lắc lưu theo nhịp đạp xích lô của khách bộ hành có lẽ chỉ là may mắn.
Hiện trường vụ bé trai bị tôn cứa vào cổ khi đang đạp xe trên phố Tân Mai cuối tuần qua. Ảnh: Vietnamnet. |
Khắp mọi nẻo trong thành phố này, nơi nào cũng có những cửa hàng vật liệu. Việc chuyên chở đến các công trình xây dựng chủ yếu dựa vào xe máy, xích lô và những chiếc xe ba bánh tự chết gắn mác “Thương binh”.
Chỉ dựa vào một chữ mưu sinh, ai cũng có thể biện minh cho hành động gây nguy hiểm này trên phố. Một thanh sắt chọc thủng đuôi ô tô vì người chở không kịp phanh khi dừng đèn đỏ. Một xe ba bánh chở vật liệu cồng kềnh liên tiếp xô ngã người đi đường … những mẩu tin như thế chiếm vài dòng, và trôi đi nhanh chóng trong các mục về an ninh trật tự. Thậm chí, một cái chết thương tâm nhường này, như vừa xảy ra lúc chiều nay 23/9, rồi cũng lại trôi đi.
Không phải chúng ta không có luật, năm 2008 khi ban hành Luật Giao thông đường bộ, người ta đã quy định, người điều khiển phương tiện lưu thông trên đường chở hàng hóa phải đúng chiều cao, kích thước theo quy định mới đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông.
Còn Khoản 4, Điều 18, Thông tư 07/2010/TT-BGTVT của Bộ GTVT, cũng đã quy định không thể chi tiết hơn về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ cho các loại phương tiện chở hàng hóa lưu thông trên đường: Xe mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,30 m, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,50 m. Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy là 2,0 m.
Cơ sở để xử lý vi phạm được quy định tại điểm k, Khoản 4, Điều 6 của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Mức phạt tiền 200 nghìn đến 400 nghìn đồng.
Ai có thể ngăn chặn được những cái chết thương tâm, những vụ tai nạn cụt tay, mù mắt khi những chiếc xe chở sắt, thép, tôn lao đi trên phố đông người với một mức phạt “lên tới” 400 nghìn đồng?
Không có lỗ hổng luật pháp ở đây. Những nhà làm luật bị tính phổ quát của các chế tài hạn chế, và luật pháp, cũng chỉ có thể quy định như vậy. Những bác đạp xích lô, chở thuê bằng xe máy, xe ba gác cũng sẽ không hành nghề nữa, nếu lúc nào họ chở đồ cồng kềnh cũng bị phạt gấp đôi số tiền công nhận được. Nhưng lại một câu hỏi nữa đặt ra, hiện tượng này mọc ra khắp hang cùng ngõ hẻm, tiền đâu nuôi lực lượng giám sát, kiểm tra?
Mỗi khi có một sự cố thương tâm, những người có lương tri xa xót, những người cảm thấy có trách nhiệm thì không thể không cất lên một đôi lời. Nhưng rồi xong xuôi, đâu lại để đó. Bởi có một thứ nếu như chúng ta có lý giải được, thì khi đi tìm giải pháp, cũng đành thở dài một tiếng “Chiếc áo rách, biết vá sao cho lành lại bây giờ”. Quản lý đô thị của chúng ta (tất nhiên, còn có thể nói rộng hơn là quản lý đô thị) quả thực là một cái áo đã rách tả tơi, miếng vá đẹp mấy cũng không thể làm lành chiếc áo.
Quản lý trật tự và văn minh đô thị là điểm mấu chốt để phân biệt cấp độ văn minh của một thành phố. Và nếu như vậy, rõ ràng Hà Nội dẫu rất to, rất đông, rất nhiều cao ốc và trung tâm thương mại vẫn chưa thoát khỏi dáng vẻ của một cái làng. Chỗ nào cũng có thể mở cửa hàng, nơi nào cũng có thể vất rác, nhà muốn xây cất kiểu gì cũng được … mỗi thứ một tý, bát nháo và vô pháp vô thiên chính là căn nguyên của mọi thứ lộn xộn hiện nay. Có điều, người ta không biết phải bắt đầu từ đâu? Chả lẽ lại xây cái mới?
Tôi không muốn so sánh với tây tàu. Chỉ nhân đây kể một kinh nghiệm rất con con. Trên đường đi bộ hàng ngày của tôi từ nhà đến trường hồi còn theo học ở Adelaide, Australia, một hôm trời tối, tôi phát hiện giữa đường có một hình vẽ màu vàng phản quang bằng cỡ hai bàn tay. Tò mò tôi lại gần xem, thì ra đó là một ổ gà (nói cho chính xác, thì là ổ chim, vì quá bé). Vạch sơn phản quang đã được quét xung quanh để cảnh báo người đi đường. Công việc này thuộc về Council (Giống như Ủy ban phường ở ta). Nhưng Council ở Australia lấy đâu ra nghìn tay, nghìn mắt để phát hiện ra cái ổ chim này. Tôi thắc mắc, và được giải thích là do người dân đi bộ phát hiện, đã gọi điện cho Council cử người xuống sơn cảnh báo, họ sẽ vào sổ, và đổ nhựa lại nay mai.
Cũng là đô thị. Và cũng là các ủy ban phường. Hôm 19/3/2016, ở Văn Phú, Hà Đông lúc 15 giờ… một tiếng nổ khủng khiếp vang lên, 5 người chết, 10 người bị thương, trong số đó có hai mẹ con một người phụ nữ đi bán trứng trên đường về nhà. Vụ việc sau được xác nhận là do người làm phế liệu đem bom ra cưa ở trước cửa nhà. Từ tháng 3, tới tháng 9… cũng chỉ mới có sáu tháng thôi mà.