Ứng dụng công nghệ thông tin để thu thập dữ liệu sản phẩm nông sản đóng vai trò quan trọng nhằm góp phần nâng cao thương hiệu và trị giá xuất khẩu. Bởi vậy, việc ưu tiên đầu tư, xây dựng, đăng ký quyền bảo hộ chỉ dẫn địa lý địa phương và quốc gia cần được doanh nghiệp, tổ chức, tập thể kinh tế cần quan tâm, đầu tư nhiều hơn.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam, lại đẩy mạnh bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong những năm gần đây. Ngoài lợi ích về mặt kinh tế, việc phát triển chỉ dẫn địa lý còn là một chiến lược hiệu quả để bảo tồn đa dạng sinh học, văn hóa truyền thống, đồng thời góp phần chống gian lận thương mại, bảo đảm lợi ích cho người tiêu dùng.

Theo số liệu thống kê, sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tập trung chủ yếu vào sản phẩm nông nghiệp với hoa quả chiếm 35% tổng số chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, thủy sản 14%, dược liệu 10%, sản phẩm từ cây công nghiệp 10%, gạo 9%… 

W-khesanh.png
Cây cà phê Khe Sanh (ảnh minh hoạ)

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến nay, cả nước đã có hơn 130 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam, trong đó có 13 chỉ dẫn địa lý nước ngoài, trong đó, nước mắm Phú Quốc là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ tại châu Âu theo các quy định chặt chẽ của châu Âu.

Mật ong bạc hà Mèo Vạc (Hà Giang) sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, quảng bá, sản phẩm đã tăng giá gần gấp đôi. Tương tự, nước mắm Phú Quốc tăng giá từ 30-50%, bưởi Phúc Trạch tăng từ 30-35%, cam Cao Phong, cam Vinh cũng tăng giá hơn 50% sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Thanh long Bình Thuận, cà phê Buôn Mê Thuột, vải thiều Lục Ngạn, nhãn lồng Hưng Yên, xoài cát Hoà Lộc… nông sản Việt thường gắn liền với một địa danh vừa thể hiện đặc thù về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, vừa để thể hiện lòng tự hào về vùng quê, xứ sở với những sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương.

Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó.

Có thể thấy, bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã được chứng thực trên thực tế có tác dụng gia tăng giá trị và uy tín của nhiều sản phẩm. Chỉ dẫn địa lý giúp sản phẩm có thương hiệu không chỉ chinh phục tốt thị trường nội địa với 100 triệu dân mà còn là "giấy thông hành" cho nhiều sản phẩm thương hiệu Việt tiếp cận với thị trường có yêu cầu cao như EU, Nhật Bản… Đây cũng là động lực cho người dân thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô thương mại.

Bởi vậy, để nâng cao sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản, các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh việc xác lập bảo hộ nhãn hiệu, cơ quan nhà nước cần quan tâm hơn đến việc tăng cường các chính sách khuyến khích khai thác phát triển tài sản trí tuệ, ban hành cơ chế chính sách phù hợp, chú trọng bảo vệ quyền đối với chỉ dẫn địa lý, nâng cao nhận thức người tiêu dùng... tháo gỡ khó khăn cho các chỉ dẫn địa lý vươn ra thế giới.