Sáng 26/10, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT, BHTN quý III/2022.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 9/2022 đã có: trên 17,08 triệu người tham gia BHXH, đạt 37,01% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng khoảng 537 nghìn người so với cuối năm 2021; gần 87,4 triệu người tham gia BHYT đạt 88,4% dân số; trên 14 triệu người tham gia BHTN đạt 28,3% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 627 nghìn người với cuối năm 2021.
Với mục tiêu luôn đặt quyền và lợi ích của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN lên hàng đầu, toàn ngành đã triển khai hiệu quả các chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho người dân nói chung, tiếp tục đảm bảo kịp thời, đầy đủ các quyền lợi an sinh cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN và hỗ trợ cho người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ), người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nói riêng theo các Nghị quyết số: 03/2021/UBTVQH15; 24/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 42/NQ-CP; 154/NQ-CP, 68/NQ-CP, 116/NQ-CP của Chính phủ.
Theo thống kê, 3 quý đầu năm 2022, toàn ngành đã giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho trên 7,4 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau; gần 895 nghìn lượt người hưởng chế độ thai sản; trên 683 nghìn lượt người hưởng mới các chế độ BHTN; gần 106,5 triệu lượt người KCB BHYT;… Đồng thời, tính đến hết tháng 9/2022, ngành BHXH Việt Nam đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các gói hỗ trợ từ quỹ BHXH, quỹ BHTN cho NLĐ và NSDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 với tổng chi phí trên 47,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 54,3% trên tổng các gói hỗ trợ Covid-19 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam tiếp tục đề xuất các giải pháp chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo quyền lợi cho người thụ hưởng BHXH, BHYT như: Bám sát, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan của địa phương, đề xuất, tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH, BHYT từ nguồn ngân sách địa phương; Tăng cường phối hợp với Bộ Y tế, các cơ sở y tế trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác KCB, thuốc, vật tư y tế và thanh quyết toán chi phí KCB BHYT;
Công tác thanh tra, kiểm tra có nhiều chuyển biến tích cực, phát huy chất lượng, hiệu quả, trong đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, chú trọng thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử kịp thời kiến nghị cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHTN, BHYT; Đẩy mạnh phối hợp với Bộ Công an trong việc xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT như trốn đóng, gian lận, trục lợi… trong lĩnh vực BHXH, BHYT của các đơn vị, tổ chức, cá nhân nhằm đảm bảo quỹ BHXH, BHYT được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích đúng quy định của pháp luật; Tăng cường ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực, hoạt động của ngành, công tác chuyển đổi số, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, được triển khai mạnh mẽ, phát huy hiệu quả trong các lĩnh vực công tác của ngành tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan BHXH…
Tính đến ngày 17/10/2022, đã có 3.832.242 lượt người tham gia BHYT sử dụng CCCD gắn chíp thay thẻ BHYT khi đi KCB BHYT.
Hiện nay, trong quá trình chờ Bộ Y tế ban hành quy định Nhóm thông tin cơ bản về y tế thuộc CSDL quốc gia về bảo hiểm và quy định Sổ Sức khỏe điện tử, BHXH Việt Nam đã: chủ động xây dựng phương án kỹ thuật để có thể thực hiện việc chia sẻ dữ liệu thuộc phạm vi của Nghị định số 43/2021/NĐ-CP quy định về CSDL Quốc gia về Bảo hiểm để xây dựng Sổ Sức khỏe điện tử theo hướng dẫn của Bộ Công an và Bộ Y tế; hoàn tất kết nối kỹ thuật để sẵn sàng cung cấp các thông tin lên ứng dụng VnEID của Bộ Công an… Sau khi các quy định được ban hành, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp cùng Bộ Công an, Bộ Y tế triển khai chính thức trên môi trường điện tử.
Thúy Ngà