- GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết, hiện nay ĐHQG Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn câu hỏi đánh giá năng lực với gần 4000 mục hỏi (item) thuộc các hợp phần khác nhau.
- GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết: Ở nước ta trong nhiều thập niên qua, học sinh ở cuối bậc THPT phải tham gia 2 kỳ thi quan trọng: tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Cả hai kỳ thi này tuy có mục đích đánh giá khác nhau, nhưng có cùng bản chất khoa học, tức là đều dựa trên nền tảng tâm trắc học trong giáo dục, hay còn gọi là Khoa học Đo lường và Đánh giá (ĐL&ĐG) trong giáo dục.
Về mặt khoa học hoàn toàn có thể tích hợp hai loại dạng thức câu hỏi này vào một bài thi tổng hợp.
Thí sinh trong kỳ thi ĐH 2014 (Ảnh: Văn Chung). |
Đã có nhiều nước trên thế giới thực hiện các kỳ thi chung, kỳ thi hợp nhất. Pháp có kỳ thi Baccalauréat, gọi tắt là Le Bac, khoảng gần 20 quốc gia Châu Âu khác có kỳ thi chung gọi là kỳ thi Matura. Ngay tại Hoa Kỳ cũng có tốt nghiệp THPT gọi Exit Exam, thực hiện ở khoảng 27 bang. Đặc biệt, đây là yêu cầu bắt buộc của là Bang California, Vương Quốc Anh và các nước ảnh hưởng của hệ thống giáo dục của Anh (Singapore, Hồng Kông...) có kỳ thi A-Level. Gần đây, các nước đông Âu, nhất là Nga, Ucraina cũng chuyển sang áp dụng kỳ thi hợp nhất.
Kết quả các kỳ thi này được thí sinh sử dụng làm căn cứ xét nhận bằng tốt nghiệp THPT và đồng thời đăng ký vào học ĐH.
Việc quyết định tổ chức kỳ thi chung, hợp nhất ở Việt Nam hiện nay có thuận lợi cơ bản là công nghệ thông tin, truyền thông của nước ta đã tương đối phát triển, ngày càng có nhiều chuyên gia về công nghệ đo lường đánh giá hiện đại trong giáo dục đáp ứng tổ chức thành công các kỳ thi với qui mô lớn. Bên cạnh đó, học sinh đã được làm quen với hình thức thi trắc nghiệm khách quan (TNKQ) đã được áp dụng cho các môn lý, hóa, sinh trong kỳ thi “ba chung” giúp cho thí sinh và xã hội dễ dàng thích ứng với các loại đề thi này.
Như vậy, có thể khẳng định hoàn toàn có đầy đủ căn cứ khoa học và thực tiễn để triển khai kỳ thi quốc gia: kỳ thi hợp nhất.
Một bài thi với 1 buổi thi duy nhất, thi nhiều lần/năm
Cấu trúc bài thi được thiết kế như thế nào để có thể vừa đạt mục đích xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH-CĐ, thưa ông?
- Bài thi tổng hợp được thiết kế theo hình thức trắc nghiệm, gồm 4 hợp phần: Toán; Ngữ văn; Khoa học Tự nhiên; và Khoa học Xã hội. Các hợp phần Toán và Ngữ văn mỗi hợp phần có 50 câu TNKQ. Hai hợp phần tổng hợp Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân) mỗi hợp phần gồm 40 câu TNKQ. Tổng số toàn đề thi có 180 câu. Tổng số thời gian làm bài là 215 phút, làm gọn trong một buổi thi.
Các môn Toán và Ngữ văn và hai hợp phần khoa học tự nhiên và khoa học xã hội sẽ bao phủ chương trình cơ bản của bậc THPT. Bài thi có 20% câu hỏi dễ (mức năng lực thấp), 60% câu hỏi trung bình (mức năng lực trung bình) và 20% câu hỏi khó (mức năng lực cao).
Mỗi câu trả lời đúng được 1 điểm, sai hoặc bỏ qua không bị trừ điểm. Tổng số điểm tối thiểu là 0, tối đa là 180.
Đề thi cho từng cá nhân sẽ được xáo trộn ngẫu nhiên về câu hỏi, phương án để các thí sinh không thể “nhìn bài nhau” và cũng không thể sử dụng sự hỗ trợ từ bên ngoài. Việc thi và chấm thi trực tiếp trên máy sẽ đảm bảo nhanh chóng, chính xác.
Phiếu điểm được thiết kế và sử dụng cho các mục đích làm căn cứ xác nhận trình độ tốt nghiệp THPT (cùng với điểm học tập các môn trong 3 năm) và cung cấp kết quả cho xét tuyển ĐH, CĐ.
Kết quả thi sẽ dùng lại nhiều lần trong khoảng thời gian 2 năm tính từ ngày thi. Căn cứ vào điểm bài thi tổng hợp và điểm các môn học, thí sinh được chọn xét tốt nghiệp theo các yêu cầu được quy định trước. Các trường đại học khi sử dụng kết quả các hợp phần điểm của bài thi quốc gia, có thể lấy điểm của một, nhiều hoặc cả 4 hợp phần để đặt điểm sàn sàng lọc; có thể nhân hệ số cho điểm các hợp phần tùy theo ngành tuyển chọn.
Các trường cũng có thể tổ chức thêm 1 bài thi đơn môn với dạng thứ trác nghiêm hoặc tự luận, câu hỏi mở, hoặc thi năng khiếu để có thêm thông tin đánh giá về thí sinh tuyển chọn vào các chương trình có những đòi hỏi đặc thù.
Kỳ thi có thể tổ chức nhiều lần trong năm. Riêng năm 2015 tổ chức trước kỳ thi tốt nghiệp, thí sinh nào có kết quả bài thi tổng hợp đạt yêu cầu sẽ không phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp như thông lệ, từ năm 2016 chỉ còn tồn tại một kỳ thi hợp nhất. Kỳ thi có thể tổ chức nhiều đợt trong tháng 5 để thí sinh không đạt yêu cầu hoặc mong muốn có kết quả cao hơn có thể thi lại.
Thí sinh có thể thi tại các điểm thi/phòng thi đủ điều kiện tại các tỉnh thành. Vì vậy, sẽ không gây áp lực với các đô thị lớn, tạo tính an sinh xã hội cao.
Việc đăng ký thi sẽ thực hiện qua mạng internet. Học sinh được làm quen với dạng thức thi qua mạng. Việc hướng dẫn ôn tập, ôn luyện, thi thử cũng sẽ thực hiện trực tuyến trên các trang web được chỉ định với các dạng thức bài thi, các bài thi mẫu, v.v sẽ làm giảm thiểu tình trạng học thêm, dạy thêm.
Xây dựng ngân hàng 10.000 câu hỏi
Với công việc lớn như vậy, ĐHQG Hà Nội đã chuẩn bị về nguồn nhân lực, lượng câu hỏi như thế nào để có thể triển khai đề án này?
- Trên 70 giảng viên của ĐHQG Hà Nội đã được chuyên gia khảo thí của Hoa Kỳ tập huấn về kỹ năng ra đề thi. Nhiều chuyên gia hàng đầu trong việc ra đề thi trung học và tuyển sinh đại học cũng đã được huy động tham gia vào xây dựng đề thi.
Hiện nay ĐHQG Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn câu hỏi đánh giá năng lực với gần 4000 mục hỏi (item) thuộc các hợp phần khác nhau. Trong số này một bộ phận đã được thử nghiệm. Cần tiếp tục thử nghiệm và phát triển thêm câu hỏi mới trong các năm tiếp theo để đảm bảo thường trực khoảng 10.000 câu hỏi trong ngân hàng . Tuy nhiên, trước măt cho 2015 cần có 4500 câu hỏi đã chuẩn hóa. ĐHQG Hà Nội cũng đã thành lập Trung tâm Khảo thí để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ này.
Ngày 11 tháng 9 tới đây, ĐHQG Hà Nội sẽ tổ chức thi chọn sinh viên sau khi đã trúng tuyển vào ĐHQG Hà Nội vào học trong các chương trình tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế, chất lượng cao.
Đây sẽ là dịp rà soát và hoàn thiện quy trình, bộ đề cũng như quy trình, công nghệ tổ chức thi cũng như bộ đề thi.
Xin cảm ơn ông!
- Văn Chung (thực hiện)
10 ưu thế 1. Chỉ một bài duy nhất, thi trong một buổi, gọn nhẹ. 2. Đề thi dạng trắc nghiệm khách quan gồm 180 câu hỏi (gồm kiến thức toán, ngữ văn, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội), thi trên máy tính với đề thi được tổ hợp khác nhau, thí sinh không thể nhận trợ giúp từ bên ngoài, hạn chế tiêu cực mà không cần các phương tiện giám sát phức tạp, tránh gây bức xúc cho xã hội. 3. Cấu trúc đề thi định hướng học sinh cần học toàn diện, học thực chất, tránh học tủ, học lệch, học cái thiết thực. 4. Đề thi có phổ rộng theo độ khó dễ. 5. Có thể tổ chức nhiều lần trong một đợt thi, nhiều đợt trong năm, thí sinh chưa đạt yêu cầu có thể thi lại. Điểm kì thi hợp nhất có thời hạn sử dụng 2 năm và có thể học và thi cải thiện, nâng cao, thuận lợi cho thí sinh. 6. Thí sinh có thể xem đề mẫu công khai và làm thử trên mạng, tự luyện thi trên mạng. 7. Bộ đề được thiết kế bao quát chương trình phổ thông, chú trọng kiến thức lớp 12, chương trình, sách giáo khoa. 8. Phần mềm thiết kế giao diện đơn giản, dễ sử dụng. 9. Năm 2015 tổ chức thi tích hợp trước khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp như hàng năm. Thí sinh đạt yêu cầu không cần tham gia kỳ thi sau. Số chưa đạt có thể thi lại bài thi tổng hợp hoặc tham gia kỳ thi Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ sau đó. 10. Phù hợp với thông lệ quốc tế, thể hiện được sự đổi mới trong kiểm tra đánh giá. (Nguồn: ĐHQG Hà Nội) |