- Tại hội thảo Apricot 2017 khai mạc chiều nay (27/2), Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhấn mạnh: đây là cơ hội chia sẻ kinh nghiệm triển khai IPv6 và xem xét một cách toàn diện các tiêu chuẩn, chính sách cùng cơ hội hợp tác giải quyết những khó khăn để Việt Nam phát triển bền vững.

Đây là lần đầu tiên sau 21 năm tổ chức, Hội thảo Công nghệ Internet khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Apricot) 2017 diễn ra tại Việt Nam. Sự kiện thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, tổ chức, chuyên gia, kỹ sư trong lĩnh vực CNTT và Internet từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.

{keywords}

Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm phát biểu khai mạc Apricot 2017

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Phan Tâm nhận định, sự phát triển của Internet đã thay đổi mọi mặt của xã hội và là một cơ sở hạ tầng quan trọng trong quá trình hội nhập và phát triển nền kinh tế kỹ thuật số. Internet đã tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới, thúc đẩy thương mại và đầu tư nâng cao năng suất, hiệu quả và làm tăng khả năng cạnh tranh giữa các quốc gia.

“Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh các quốc gia đang chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tôi tin rằng với hơn 700 khách mời tại Apricot 2017, đây sẽ là cơ hội hữu ích cho các chuyên gia, kỹ sư và các nhân viên kỹ thuật thảo luận kỹ càng về các chính sách, tiêu chuẩn, công cụ và các giải pháp đối với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tôi tin rằng chúng ta cần một bước đột phá mới trong sự phát triển, ổn định và bảo mật mạng nhằm đáp ứng các yêu cầu của một cuộc cách mạng công nghiệp”, Thứ trưởng cho biết.

Có thể nói, trong lịch sử 20 năm phát triển (1997 – 2017), Internet Việt Nam đã có những đóng góp bền vững cho xã hội. Chính phủ cũng đã đặt ra rất nhiều mối quan tâm nhằm phát triển Internet; kết quả là trong năm 2016, số người sử dụng Internet đã đạt hơn 60% dân số. Sự phát triển của thương mại điện tử, chính phủ điện tử, y tế điện tử cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể.

{keywords}

Toàn cảnh Hội thảo Công nghệ Internet khu vực châu Á - Thái Bình Dương Apricot 2017

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế kỹ thuật số, Việt Nam đang dần chuyển sang mạng IPv6 (viết tắt của Internet Protocol version 6 - Giao thức mạng Internet thế hệ 6) và phong trào này đã được bắt đầu từ năm 2008, trong kế hoạch chương trình chuyển đổi IPv6 quốc gia giai đoạn 2008 - 2020. Hiện tại, có hơn 6% người dùng Internet tại Việt Nam đang được sử dụng IPv6 và Việt Nam đang đứng trong nhóm những nước có mức độ sử dụng IPv6 cao trong khu vực.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Trần Minh Tân, giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam, các dịch vụ mới trên nền IPv6 chưa được phát triển đúng lộ trình mong muốn. Trước mắt chỉ mới giải quyết được vấn đề kết nối không gian địa chỉ IPv6, còn lại các dịch vụ thuần trên nền IPv6 thì các ISP Việt Nam vẫn cần phải tiếp tục quan tâm; bên cạnh đó các nhà mạng cung cấp dịch vụ nội dung, các trang mạng xã hội, các báo điện tử lớn cũng cần chuyển đổi sang IPv6 một cách đồng bộ mới có thể đáp ứng nhu cầu kết nối của người sử dụng trong thời gian tới.

Trong nỗ lực hỗ trợ cộng đồng Internet Việt Nam hiện tại, việc mang cơ hội cho các nhà mạng, người sử dụng Internet của Việt Nam có điều kiện kết nối, tham khảo, học hỏi những thành tựu tiên tiến của thế giới là rất quan trọng.

Thứ trưởng Phan Tâm hy vọng, Apricot 2017 là cơ hội để các chuyên gia, kỹ sư CNTT, các ISP có cơ hội gặp gỡ, trao đổi với các chuyên gia hàng đầu thế giới về công nghệ mạng, công nghệ Internet cũng như chia sẻ kinh nghiệm triển khai IPv6 và xem xét một các toàn diện các tiêu chuẩn, chính sách và các cơ hội hợp tác để giải quyết những khó khăn, phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Võ Quỳnh