Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), kế hoạch chuyển đổi số ngành này giai đoạn 2022-2025 đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 80% cơ sở dữ liệu (CSDL) về nông nghiệp được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã và đang thực hiện hàng loạt chiến lược, đề án phát triển ngành lúa gạo như: Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030; tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030…
Chia sẻ rõ về vai trò khi số hóa cơ sở dữ liệu ngành lúa gạo ở Việt Nam, chuyên gia Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) Bùi Tân Yên dẫn chứng về hệ sinh thái dữ liệu số theo dõi và báo cáo sản xuất lúa (RiceMore).
Theo ông, đây là nền tảng tham chiếu địa lý, cho phép chuẩn hóa và ghi lại dữ liệu hoạt động sản xuất lúa theo thời gian. Nền tảng này được phát triển, thử nghiệm và hoàn thiện từ năm 2018 với sự tham gia của Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL và ĐBSH.
Sau khi hoàn thiện, hệ thống đang được giới thiệu và đưa vào ứng dụng tại 10 tỉnh, thành. Hệ thống này tự động tổng hợp dữ liệu theo các cấp quản lý khác nhau, giúp cải thiện đáng kể quy trình báo cáo và thống kê sản xuất lúa.
Từ đầu năm 2023, IRRI phối hợp với Cục Trồng trọt và Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) nâng cấp phần mềm RiceMore thành hệ thống trực tuyến với một ứng dụng di động. Theo đó, ứng dụng được phát triển hướng tới nhiều nhóm người dùng.
Cụ thể, ở cấp xã có thể gửi dữ liệu báo cáo sản xuất lúa hàng tuần theo mẫu chuẩn giúp tổng hợp và phân tích dữ liệu một cách dễ dàng. Từ đó, Cục Trồng trọt và Bộ NN-PTNT có thể giám sát tiến độ, phân bố diện tích theo vụ, giống lúa, giai đoạn phát triển để đưa ra quyết định tức thời như kiểm soát sâu bệnh, ứng phó với rủi ro khí hậu, kế hoạch xuất khẩu và phân bổ đầu tư…
Trong khi đó, ở cấp vùng và quốc gia, Bộ NN-PTNT có thể ước tính tiềm năng và mục tiêu trong giảm phát thải khí nhà kính từ các hệ số phát thải khí nhà kính cấp II và điều kiện tự nhiên cụ thể của địa phương. Ngoài ra, các doanh nghiệp và cơ quan khuyến nông cũng có thể truy cập thông tin để đưa ra khuyến cáo cho nông dân, đồng thời xây dựng các dịch vụ khuyến nông phù hợp.
Vị chuyên gia này cho rằng, dựa trên hiệu quả RiceMore có thể mở rộng phạm vi xây dựng cơ sở dữ liệu ngành lúa gạo trên toàn quốc thông qua phần mềm số này.
Thời điểm cuối năm ngoái và đầu năm nay, Bộ NN-PTNT cũng phối hợp với các địa phương để số hoá dữ liệu sản xuất lúa theo Đề án chuyên canh 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL.
Mục tiêu, khi cơ sở dữ liệu được số hóa, các cơ quan chức năng dễ dàng tra cứu, xem thông tin về hiện trạng sản xuất để thực hiện tốt việc quản lý, cũng như tối ưu hệ thống sản xuất ứng phó biến đổi khí hậu, tăng hiệu quả, giảm phát thải.
Ðây cũng là các thông tin và dữ liệu cần thiết để xây dựng hệ thống khuyến nông điện tử, với khả năng tích hợp tốt các dữ liệu và từ dữ liệu kịp thời đề xuất các giải pháp giúp nông dân tại từng địa phương thực hiện tốt việc sản xuất.
Thực tế, sản xuất và xuất khẩu lúa gạo là thế mạnh của Việt Nam. Trong nhiều năm qua, nước ta đã trở thành 1 trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Tuy nhiên, tình trạng cung cầu mất cân đối ở nhiều thời điểm vẫn diễn ra dẫn đến giá lúa gạo bấp bênh, thu nhập của người nông dân còn thấp.
Trong khi, nguồn cung gạo của các doanh nghiệp xuất khẩu cũng không ổn định. Đơn cử, giữa năm 2023 gạo sốt giá trên toàn cầu, song không dự báo được nguồn cung và giá cả nên doanh nghiệp phải "vét sạch" kho hàng để trả đủ đơn đã ký cho phía nhà nhập khẩu dẫn đến thua lỗ.
Chưa kể, yêu cầu thị trường ngày càng cao, quy định các nước nhập khẩu cũng ngày càng nghiêm ngặt về chất lượng gạo, vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, vấn đề tuân thủ trách nhiệm cộng đồng trong bảo vệ môi trường, sản xuất giảm phát thải, nâng cao thu nhập của người nông dân cũng được quan tâm.
Do đó, cơ sở dữ liệu là tiền đề để minh bạch thông tin. Thông qua các nền tảng số, cơ sở dữ liệu giữa sản xuất và thị trường sẽ được kết nối. Số liệu cụ thể về diện tích, năng suất, sản lượng, thời điểm thu hoạch được minh bạch sẽ là cơ sở để tính toán nguồn nguyên liệu đưa vào chế biến, tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu.
Việc số hoá dữ liệu ngành lúa gạo còn hỗ trợ trong việc phân tích và dự báo thị trường. Cung – cầu được kết nối, chuỗi liên kết trong ngành hàng cũng sẽ bền vững sẽ giảm thiểu rủi ro về giá, doanh nghiệp xuất khẩu từ đó tính toán chuẩn các đơn hàng cần ký kết.
Hà Giang