Chia sẻ về kết quả của giáo dục trung học, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết, năm học vừa qua, công tác phát triển đội ngũ nhà giáo tiếp tục được ngành giáo dục và các địa phương quan tâm thực hiện. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục (GV/CBQLGD) trung học được nâng lên và chuẩn hóa.

Tính đến tháng 9/2020, toàn quốc có 579.533 GV/CBQLGD trung học, trong đó cấp THCS có 321.549, cấp THPT có 257.984.

Tỷ lệ giáo viên đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn theo yêu cầu của Luật Giáo dục 2019 là 99,1% với THCS là 99,7% và THPT là 99,7%.

{keywords}
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) chia sẻ tại hội nghị.

Ông Thành cho rằng, về cơ bản giáo dục trung học đã khắc phục được tình trạng quản lý thực hiện chương trình giáo dục phổ thông nặng về hành chính, áp đặt theo phân phối chương trình cứng nhắc.

Nhận thức của các sở/phòng GD-ĐT về xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tiễn đã thay đổi căn bản. Các nhà trường đã vận dụng nhiều hình thức tổ chức và phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, gắn kiến thức học trong nhà trường với thực tiễn, tăng cường kỹ năng sống như: giáo dục STEM; hoạt động trải nghiệm,…

Ngoài ra, các hoạt động về tăng cường năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và dạy học đã đẩy lùi tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách, giảm áp lực cho giáo viên.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Bộ GD-ĐT cũng nhìn nhận giáo dục trung học năm vừa qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, còn xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại một số vùng khó khăn, vùng có khu công nghiệp và ở một số môn học đặc thù; việc triển khai quản lý hồ sơ, sổ điểm điện tử trong một số trường THCS còn hạn chế…

{keywords}
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ chia sẻ tại hội nghị.

Năm học 2020 - 2021: Tập trung bồi dưỡng giáo viên lớp 6

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh năm học 2020-2021 là một năm đặc biệt quan trọng của giáo dục trung học khi chuẩn bị triển khai chương trình phổ thông mới với lớp 6 từ năm học 2021-2022. Đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình phổ thông hiện hành theo định hướng tiếp cận giáo dục phẩm chất, năng lực cho người học.

Theo đó, việc chuẩn bị SGK, tài liệu giáo dục địa phương và chuẩn bị đội ngũ giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý cần được quan tâm thực hiện tốt. Các nhà trường phải lựa chọn, bố trí giáo viên dạy lớp 6 là người có năng lực, tinh thần trách nhiệm và được bồi dưỡng chu đáo.

“Đây là đối tượng phải đặc biệt ưu tiên bồi dưỡng năm nay. Đối với việc thiếu giáo viên, hiện nay đã có cơ chế cho phép tuyển hợp đồng chuyên môn, tạo điều kiện cho cơ sở giáo dục chuẩn bị đủ về số lượng đội ngũ, đảm bảo thực hiện hiện quả chương trình giáo dục”, ông Độ nói.

Việc chuẩn hóa đội ngũ GV/CBQLGD trung học được Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh. Theo ông Độ, các địa phương cần xây dựng và thực hiện kế hoạch tổng thể lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên THCS. “GV/CBQLGD phải có nhu cầu đổi mới tự thân”, ông Độ cũng cho rằng cần tạo mọi điều kiện để nhà giáo tập trung cao nhất cho chuyên môn, tạo động lực cho đội ngũ.

“Cần phải tạo động lực để GV/CBQLGD có nhu cầu bồi dưỡng tự thân, động lực để làm việc tốt. Bộ GD-ĐT đã có các quy định về việc giảm áp lực sổ sách và nhiệm vụ hành chính cho giáo viên. Đề nghị các sở GD-ĐT thực hiện nghiêm túc chỉ đạo này để giáo viên được tập trung làm tốt nhiệm vụ chuyên môn”, ông Độ nói.

Theo ông Độ, để giáo viên được chủ động, sáng tạo, tích cực đổi mới dạy học thì việc quản lý của hiệu trưởng nhà trường cũng cần linh động, đổi mới. Nếu hiệu trưởng chuyển từ quản lý nhà trường theo kiểu mệnh lệnh sang tạo môi trường đổi mới, sáng tạo, quản lý theo chất lượng và hiệu quả công việc, thì sẽ là điều kiện thuận lợi để giáo viên làm tốt các nhiệm vụ.

Hải Nguyên

Sẽ cho phép người 'ngoại đạo' trở thành giáo viên tiểu học

Sẽ cho phép người 'ngoại đạo' trở thành giáo viên tiểu học

Bộ GD-ĐT vừa giới thiệu dự thảo thông tư ban hành Chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người tốt nghiệp trình độ đại học ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học.