Hỗn loạn đã bùng lên tại thủ đô Kiev của Ukraina, sau khi quốc hội nước này ủng hộ dự thảo sửa đổi hiến pháp, trao quyền tự trị lớn hơn cho các khu vực miền đông.
TIN BÀI KHÁC
Tại phiên họp đầu tiên về dự thảo trên, 265 nghị sỹ đã bỏ phiếu ủng hộ, cao hơn 39 phiếu so với yêu cầu. Trong khi, trước đó, phát biểu tại Đại hội Đảng Khối Poroshenko, Tổng thống Ukraina khẳng định: "Không liên bang hóa, không quy chế đặc biệt. Đó là điều chúng tôi và các vị sẽ bỏ phiếu tại quốc hội ngày 31/8. Chúng ta sẽ bảo vệ quy chế đơn nhất của Ukraina".
Cảnh sát chống bạo động đang trấn giữ bên ngoài tòa nhà quốc hội ở Kiev. |
Những người biểu tình theo chủ nghĩa dân tộc đã nổi giận sau khi các nghị sỹ quốc hội bỏ phiếu ủng hộ dự thảo sửa đổi hiến pháp trên. Hãng tin RIA Novosti của Nga nói có khoảng 200 người biểu tình tập trung bên ngoài tòa nhà quốc hội, yêu cầu các nghị sỹ không được sửa đổi hiến pháp. Một số nguồn tin khác nói rằng, con số người biểu tình lên tới gần 1.000.
Theo hãng tin Reuters, ít nhất 4 nhân viên cảnh sát và vệ binh quốc gia đã bị thương nặng khi một quả lựu đạn bị người biểu tình ném ra phát nổ. Trong khi đó, lực lượng vệ binh quốc gia Ukraina nói rằng, 50 thành viên của họ đã bị thương do vụ nổ, trong đó có 4 người bị thương nặng.
Hãng tin RIA Novosti dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Ukraina cho hay, khoảng 100 người đã bị thương trong các vụ đụng độ gần tòa nhà quốc hội. Theo ông Anton Gerashenko, cố vấn của bộ trưởng nội vụ, một vệ binh quốc gia đã thiệt mạng do trúng đạn ngay tim. Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov đã xác nhận thông tin này qua tài khoản Twitter của ông.
Trước đó, Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko nói với báo giới rằng, ông có thông tin về một số trường hợp bị thương trong lực lượng thực thi pháp luật, nhưng vệ binh quốc gia từ chối xác nhận thông tin.
Dự thảo sửa hiến pháp được Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko đệ trình nhằm phân cấp quyền lực, trao quy chế đặc biệt cho các tỉnh miền Đông. Đây là một phần trong thỏa thuận ngừng bắn Minsk mà các bên đạt được hồi tháng 2 tại Belarus.
Tòa án Hiến pháp Ukraina hồi cuối tháng 7 đã thừa nhận tính hợp pháp của bản dự thảo này. Vào thời điểm đó, Tổng thống Poroshenko đã nhận định rằng, quyết định này là một bước ngoặt quan trọng đối với đất nước Ukraina. Sau kết luận của Tòa án Hiến pháp, các nghị sĩ Ukraina có thể xem xét dự thảo sửa đổi.
Theo Hiến pháp Ukraina, việc sửa đổi một đạo luật cơ bản cần phải được quốc hội nước này thông qua hai lần. Trong lần bỏ phiếu đầu tiên, dự luật cần nhận được tối thiểu 226 phiếu ủng hộ. Tỷ lệ ủng hộ này trong lần bỏ phiếu thứ hai được nâng lên mức tối thiểu 300 phiếu.
Dự kiến, phiên bỏ phiếu thứ hai đối với dự thảo sửa đổi hiến pháp sẽ diễn ra trong ngày 1/9. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng lần bỏ phiếu này có thể hoãn tới cuối năm nay.
Thanh Vân