Trong xu thế hội nhập toàn cầu ngày nay, các quốc gia ven biển luôn mong muốn khai thác, sử dụng biển ổn định và phát triển kinh tế biển bền vững. Đặc điểm của biển luôn là mở, lợi ích to lớn, có phạm vi ảnh hưởng tác động đa quốc gia, chủ thể hoạt động thường mang tính quốc tế, do vậy, để đảm bảo quản lý, khai thác và bảo vệ biển hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, mỗi một quốc gia ven biển đều phải tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế.

{keywords}
Ảnh minh họa

Về cơ bản, việc hợp tác quản lý và bảo vệ biển giữa Cảnh sát biển của các quốc gia bao gồm các hoạt động giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn và phòng chống tội phạm trên biển; huấn luyện, diễn tập chống cướp biển; cứu hộ, cứu nạn; bảo vệ môi trường biển; thực hiện cam kết của quốc gia trong thực hiện các điều ước quốc tế về Công ước 1982, DOC, IMO, SOLAS,...

Bên cạnh đó là sự gia tăng các hoạt động tội phạm trên biển như hoạt động buôn bán ma tuý, buôn bán phụ nữ; buôn bán và vận chuyển hàng lậu qua biên giới biển, điều này gây ra những thách thức mới đối với hoạt động quản lý nhà nước trên biển của các quốc gia trong khu vực Biển Đông. Vì thế, hợp tác giữa các lực lượng chức năng thực hiện việc quản lý an ninh, trật tự an toàn trên vùng biển và thềm là hết sức cấp thiết.

Bên cạnh đó, hợp tác khu vực, hợp tác song phương  phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật có tính chất quốc tế là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả nhằm ổn định hoà bình, an ninh, trật tự, an toàn trên biển, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên biển của đất nước.

Thời gian qua, buôn lậu xuyên biên giới trên biển có xu hướng gia tăng cả về quy mô và tính chất phức tạp. Tại Việt Nam, nạn buôn lậu xăng, dầu qua đường biển cũng là một vấn đề nhức nhối kéo dài trong nhiều năm vẫn chưa được ngăn chặn có hiệu quả, đặc biệt trên vùng biển phía Tây Nam vì ngư trường rộng, lưu lượng tàu thuyền dày đặc, mọi hoạt động mua bán xăng, dầu chủ yếu diễn ra ban đêm; trong khi các lực lượng chuyên trách chống buôn lậu lại mỏng, phương tiện, trang bị hạn chế nên hiệu quả hoạt động chưa cao.

Trên thực tế, tình hình buôn lậu ở trên biển vẫn diễn biến hết sức phức tạp không riêng xuất lậu than và xăng dầu. Một số mặt hàng chuyển tải hoặc tạm nhập tái xuất bằng đường biển như ô tô, xăng dầu, thuốc lá, hàng điện tử, đồ phế liệu, rác thải công nghiệp…, xuất đi nhưng rồi lại bằng chính con đường này, thẩm lậu trở lại; bởi vậy, trong tình hình hiện nay, buôn lậu trên biển vẫn là vấn đề khó kiểm soát nhất.

{keywords}
Tàu cảnh sát biển Việt Nam

Do vậy, hợp tác quốc tế luôn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực, khả năng hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển khác (Bộ đội biên phòng, Kiểm ngư, Hải quan, Thanh tra hàng hải,…) trong hoạt động bảo vệ tổ chức, cá nhân hoạt động hợp pháp trên biển; cứu hộ, cứu nạn; bảo vệ môi trường và phòng chống tội phạm xuyên quốc gia trên biển.

Cụ thể, phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam theo quy định của pháp luật, chủ chương, chính sách về hoạt động hợp tác quốc tế của Nhà nước; bảo đảm hợp tác quốc tế để giải quyết, xử lý các tình huống trên biển, hài hoà hóa các mối quan hệ với đối tác, đối tượng và đối sách của nhà nước; giữ vững ổn định và hoà bình trên biển, góp phần phát triển kinh tế biển bền vững.

Hải Văn